Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:44 (GMT +7)
Vân Đồn: Để phát triển bền vững nông nghiệp gắn với du lịch
Thứ 5, 10/02/2022 | 10:35:46 [GMT +7] A A
Nông nghiệp gắn kết du lịch đang là hướng đi hiệu quả, góp phần quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm; đồng thời, tạo thêm sản phẩm du lịch mới, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn. Với tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp rất lớn, huyện Vân Đồn xác định sẽ triển khai, thúc đẩy ngày càng nhiều hơn các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại kết hợp trở thành điểm du lịch hấp dẫn; từ đó, dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Điểm đến "hút" khách
Những ngày giữa tháng 11/2021, khi những vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn), bắt đầu chín mọng, đỏ ối hấp dẫn, cũng là lúc các nhà vườn tại đây đón khách đổ về tấp nập. Khách không chỉ mua cam để thưởng thức, mà quan trọng hơn, họ muốn hòa mình với môi trường nông thôn thanh bình, được ngắm nhìn những trái ngọt chín mọng và thỏa sức ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng thiên nhiên.
Từ thời điểm đó đến tháng 12, trên các trang mạng xã hội, những hình ảnh, những khoảnh khắc đẹp bên vườn cam Vạn Yên được đăng tải và chia sẻ khắp nơi, tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến trải nghiệm du lịch vườn cam.
Ông Trần Văn Hậu, chủ vườn cam Nông trang 68 tại Vạn Yên, cho biết: Vườn cam từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ cam có giảm, nhưng thay vì bán cam thông thường, gia đình tôi đã mở cửa đón du khách đến tham quan. Việc mở cửa vườn để đón khách du lịch đã mang lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình. Mỗi ngày vườn nhà tôi đón gần 1.000 khách tới tham quan, chụp ảnh và mua cam mang về, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.
Với hình thức du lịch sinh thái mới này, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, dã ngoại, chụp ảnh lưu niệm thu hút nhiều khách du lịch. Mùa cam năm nay, nhiều chủ vườn đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ ngơi, ăn uống để phục vụ cả nhu cầu vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương, để sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tham gia các hoạt động khác. Từ đó, tạo thêm nguồn thu nhập cho các nhà vườn tại Vạn Yên.
Có thể thấy, vài năm trở lại đây, không chỉ bán cam thành phẩm, du lịch trải nghiệm vườn cam đang trở thành mô hình du lịch mới, rất được ưa chuộng ở Vân Đồn; vừa lan tỏa hình ảnh đặc sản cam Vạn Yên, vừa khẳng định thương hiệu cam trên thị trường. Đây là một hướng đi mới, giúp phát triển song song cả nông nghiệp và du lịch mà huyện Vân Đồn đang tập trung và khuyến khích thực hiện.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Vân Đồn là huyện có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch bởi nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng của các loại hình nông nghiệp, từ những vườn cây ăn quả đến các khu vực nuôi trồng thủy hải sản, nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc... Hiện trên địa bàn có một số mô hình sản xuất nông nghiệp có thể xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Trồng cam ở Vạn Yên, Bản Sen, các vườn đào phai Hạ Long, các khu vực bè nuôi hải sản trên biển...
Cụ thể, tính đến nay trên địa bàn xã Vạn Yên có hơn 180 hộ gia đình trồng cam, với tổng diện tích khoảng 183ha. Sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 200 tấn. Về cây đào, toàn huyện có gần 60ha diện tích trồng đào, tập trung ở các xã Hạ Long, Đài Xuyên và Đông Xá. Đào Vân Đồn từ lâu đã trở thành thương hiệu; đồng thời các vườn đào cũng tạo cảnh quan đẹp để du khách trải nghiệm.
Riêng đối với lĩnh vực thủy hải sản, phát huy lợi thế vùng biển đảo, huyện Vân Đồn đã ngày càng mở rộng, đầu tư bài bản việc nuôi trồng. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 3.300ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, phần lớn là nuôi các loại nhuyễn thể (2.400ha) như ngao, hàu, tập trung nhiều tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng, Quan Lạn. Còn lại, có khoảng 4.700 ô lồng nuôi cá biển, chủ yếu nuôi các loại cá song, hồng, giò, tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng. Diện tích nuôi tôm duy trì ổn định với 150ha.
Các khu vực nuôi thủy hải sản được định hướng kết hợp phục vụ nhu cầu thưởng thức, thăm thú, trải nghiệm của khách du lịch. Du khách có thể trực tiếp mua hải sản tại các ô, lồng nuôi và có thể trải nghiệm quy trình nuôi hải sản, cảm nhận rõ nét đẹp của Vịnh Bái Tử Long, đời sống văn hóa, tập quán sinh hoạt, sản xuất của cư dân nơi đây…
Cùng với đó, nhiều sản phẩm OCOP của Vân Đồn cũng tạo sức hút đối với du khách như sá sùng, mực, hàu… Những năm qua, nhiều mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao cũng được tập trung xây dựng, giúp nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm đặc trưng OCOP như ruốc hàu, ruốc cơ trai...
Trước ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, huyện tiếp tục quan tâm tổ chức sản xuất, hỗ trợ hợp tác xã và các hộ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); đồng thời đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm; từ đó phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh trên địa bàn.
Cần sự vào cuộc, đầu tư đồng bộ
Mặc dù một số mô hình đã xuất hiện, nhưng việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại Vân Đồn vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết và đầu tư đồng bộ. Nhiều khu vực thiếu các điều kiện về hạ tầng, như đường giao thông, bãi đỗ xe, khu vực vệ sinh… Thêm vào đó, các cơ sở vật chất gắn với du lịch, như hệ thống biển chỉ dẫn, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm… chưa được quan tâm đầu tư; việc quảng bá xúc tiến hầu như chưa được thực hiện. Nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch từ các mô hình nông nghiệp chủ yếu là các chủ nhà vườn, trực tiếp là những người nông dân chưa được đào tạo các kĩ năng chuyên môn du lịch. Do đó, nhiều cơ sở vẫn mang tính tự phát, chưa có chiến lược phát triển lâu dài. Đặc biệt là trước ảnh hưởng của dịch bệnh 2 năm qua, việc phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn Vân Đồn đã bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên từ cuối năm 2021 đến nay, trong điều kiện dịch bệnh, nhận thấy xu hướng du lịch trải nghiệm theo từng nhóm, từng cụm riêng biệt hút khách tại địa bàn, huyện Vân Đồn đã tập trung thúc đẩy, quan tâm tạo điều kiện hơn cho việc phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, cho biết: Xã và huyện đều có những giải pháp hỗ trợ cho các hộ trồng cam về nguồn lực tái sản xuất, phát huy thế mạnh du lịch trải nghiệm. Thời điểm cuối năm 2021, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa thôn 10/10 kết hợp khu đỗ, quay đầu xe cho du khách. Khu để xe này được đổ bê tông trên diện tích gần 1ha, có đầy đủ nhà vệ sinh công cộng. Xã cũng chỉ đạo các HTX trồng cam trên địa bàn đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch khi mở cửa đón khách; đồng thời cũng tiến hành kiểm tra việc thực hiện phòng dịch, quét mã QR của các nhà vườn.
Còn theo ông Hà Văn Ninh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, trong năm 2021, từ khi chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, phòng đã tư vấn cho các nhà vườn trồng cam mở cửa đón khách, tạo điểm đến nghỉ ngơi, trải nghiệm. Trong năm 2022, huyện Vân Đồn cũng xây dựng đề án Phát triển vùng trồng cam tập trung kết hợp du lịch sinh thái, nhằm phát triển mạnh mẽ hơn mô hình này. Cụ thể, huyện sẽ mở thêm tuyến đường vào khu vực các vườn cam để thuận tiện cho nhà vườn đón khách, chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… cho các khu vực.
Bên cạnh mô hình vườn cam kết hợp du lịch, trong năm 2022, huyện cũng sẽ thúc đẩy phát triển lại mô hình kết hợp nuôi trồng thủy hải sản gắn với du lịch; nhằm thu hút du khách và quảng bá, tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm thủy hải sản của địa phương.
Thực tế tại một số địa phương trong tỉnh và cả nước cho thấy, nông nghiệp gắn với du lịch đã đem lại hiệu quả KT-XH tốt, khi vừa tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, vừa tìm được đầu ra tại chỗ cho nông sản địa phương, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, giúp người dân gắn bó với quê hương. Do đó, phát triển du lịch nông thôn đã trở thành một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đưa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đây là điều kiện tốt để Vân Đồn phát triển mạnh mẽ hơn nông nghiệp gắn kết với du lịch. Song để tiến hành phát triển du lịch nông nghiệp một cách bài bản và hiệu quả, bền vững hơn, huyện cần có sự vào cuộc đồng bộ và đầu tư cả về quy hoạch, cơ sở hạ tầng; đồng thời phải tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn cho nông dân cũng như người dân về lợi ích phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến bài bản và mạnh mẽ cho các điểm đến, các mô hình này…
Cùng với đó là tập trung tái cơ cấu sản xuất và phát triển nông nghiệp toàn diện, bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc thù, bản địa, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đầu tư công nghệ vào nông nghiệp để tiến tới nông nghiệp hiện đại; đồng thời xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, liên kết có sự tham gia của doanh nghiệp, HTX gắn với du lịch, dịch vụ; từ đó nâng cao giá trị gia tăng, bền vững cho nông nghiệp; góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Khánh Đan
Liên kết website
Ý kiến ()