Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:06 (GMT +7)
Để phát huy thế mạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản ở Vân Đồn
Chủ nhật, 10/07/2022 | 06:27:41 [GMT +7] A A
Có tiềm năng to lớn, là quê hương của nhiều sản phẩm OCOP từ thuỷ sản nức tiếng nhưng Vân Đồn phải thường xuyên đối mặt với vấn đề về nuôi trồng, tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị thủy sản. Đầu tư, thu hút đầu tư, thúc đẩy chế biến sản phẩm thuỷ sản, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP chất lượng… là cách căn cơ, bền vững mà Vân Đồn đang tập trung, hướng tới.
Nổi tiếng là vựa thủy sản, Vân Đồn sở hữu tiềm năng to lớn với gần 160.000ha mặt nước biển. Tổng diện tích nuôi thuỷ sản hiện đạt trên 4.200ha. Tuy nhiên, có một thực tế là thời gian qua, giá và sản lượng tiêu thụ thuỷ sản của địa phương luôn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào các thị trường xuất khẩu.
Nhược điểm này càng lộ rõ đặc biệt khi thị trường xuất khẩu bị hạn chế hay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua. “Để giải quyết vấn thị đề trường “đứt gẫy” hoặc dư thừa sản lượng, huyện tập trung nhiều giải pháp, phương án quản lý bền vững hơn, đồng thời thúc đẩy khuyến khích đầu tư, tiêu thụ, chế biến sâu” - ông Hà Văn Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện, chia sẻ.
Theo đó, cùng với các giải pháp “giải cứu” tức thời, huyện cũng tập trung vào giải pháp căn cơ thúc đẩy chế biến, quản lý tiêu thụ. Chế biến, tiêu thụ hàu là ví dụ sinh động. Thời gian qua, các đơn vị chức năng tích cực vào cuộc hỗ trợ, khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến ruột hàu. Các đơn vị chức năng đã hướng dẫn cụ thể các cơ sở hiện đại hóa, đầu tư nhà xưởng, khu chế biến khép kín, nguồn nước sạch... Đến nay, Vân Đồn đã có 4 doanh nghiệp, 3 HTX và 38 cơ sở quy mô hộ gia đình làm về chế biến hàu.
Hầu hết các cơ sở này đều được đầu tư khang trang, đạt tiêu chuẩn chế biến sản phẩm bán ra thị trường, số ít có thể đáp ứng xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Trung bình mỗi cơ sở đầu tư khoảng 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng. Cá biệt có một số cơ sở chế biến được đầu tư hiện đại lên tới hàng tỷ đồng, như: Cơ sở chế biến hàu và thủy sản Tập đoàn Bim hay Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Thủy sản Quảng Ninh (xã Đông Xá).
Để phát triển quy củ, Vân Đồn cũng tiến hành quy hoạch, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Huyện quy hoạch Khu tiểu thủ công nghiệp Tràng Hương (xã Đoàn Kết) rộng trên 52ha, tập trung các cơ sở; mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, đưa ra các sản phẩm mới. Quy hoạch đang triển khai nhưng đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn cũng bắt đầu quan tâm như: Công ty CP Green Aquatech và đối tác quy mô chế biến khoảng 150 tấn thuỷ sản/ngày; một nhà đầu tư lớn khác mở chuỗi sản xuất khép kín từ giống tới chế biến thành phẩm với khả năng bao tiêu nguyên liệu trên quy mô 150ha nuôi trồng.
Dù mới manh nha, nhưng một số cơ sở đủ thiết bị đã sản xuất một số sản phẩm gia công giá trị cao như chế biến tinh chất hàu cho các hãng dược phẩm lớn; hoặc mạnh dạn thử nghiệm nuôi trồng và tiêu thụ một số vật nuôi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi trồng rong nho, rong sụn ở đảo Phất Cờ.
Đồng thời với đó, một giải pháp căn cơ mà Vân Đồn đang thực hiện là tập trung quy hoạch lại vùng nuôi trồng theo hướng sắp xếp, giao lại mặt biển, nâng cao chất lượng, hạn chế nuôi quảng canh; quy hoạch lại tổng thể từ khâu giống, chăm nuôi tới tiêu thụ. Thời gian tới, diện tích nuôi trồng dự kiến có thể thu hẹp lại, tuy nhiên việc đảm bảo chất lượng vùng nước, kiểm soát dịch bệnh... sẽ được thực hiện quy củ hơn.
Để nuôi trồng bền vững, Vân Đồn cũng tính toán tới việc sản xuất, nhân các nguồn giống thủy sản chất lượng tại chỗ thay vì nguồn giống khắp nơi, không rõ nguồn gốc. Đồng thời với đó là kêu gọi, khuyến khích, vận động các đơn vị, HTX thành lập các tổ hợp để cùng điều hành, kiểm soát tiêu thụ, đảm bảo giá cho đầu ra của hải sản.
Có thể thấy, các giải pháp trên đã phần nào đem lại những hiệu quả nhất định. Từ bán nguyên liệu, nhiều sản phẩm gia tăng từ hải sản Vân Đồn của các đơn vị doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, xếp hạng sản phẩm OCOP 3-5 sao, như: Các loại ruốc hải sản Bavabi; một số sản phẩm đã xuất khẩu đi Trung Quốc, Đài Loan như ruột hàu, ruốc hải sản... Giá trị sản phẩm nuôi trồng vì thế cũng được gia tăng, có thương hiệu trên thị trường.
Tuy nhiên để thực sự các giải pháp căn cơ trên đi vào thực tế, phát huy hiệu quả, rất cần sự quan tâm, thúc đẩy việc quy hoạch lại vùng nuôi trồng; đề xuất đẩy nhanh, đưa vào hoạt động Trung tâm sản xuất giống đã được tỉnh và Bộ NN&PTNT quan tâm phê duyệt tại Lỗ Ố (Vườn Quốc gia Bái Tử Long và xã Vạn Yên).
Đồng thời với đó, các đơn vị chức năng cũng cần quan tâm hỗ trợ, giám sát, chấn chỉnh để đảm bảo quy trình, chất lượng sản phẩm của các cơ sở chế biến hàu, thủy sản đưa ra thị trường hoặc xuất khẩu, tránh lặp lại sự việc sản phẩm xuất khẩu bị trả về như dịp đầu năm 2021; đẩy nhanh tiến độ Khu tiểu thủ công nghiệp Tràng Hương, quan tâm, thu hút và tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư; kiện toàn tổ chức điều tiết nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản cùng các giải pháp xúc tiến, tiêu thụ khác.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()