Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:31 (GMT +7)
Để phát huy thế mạnh du lịch Thanh Lân
Chủ nhật, 11/10/2020 | 14:12:50 [GMT +7] A A
Thanh Lân có đầy đủ các điều kiện thuận lợi, tài nguyên du lịch không thua kém Cô Tô lớn. Thế nhưng cho tới nay Thanh Lân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Phát huy tiềm năng du lịch Thanh Lân
Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Cô Tô, đảo Thanh Lân có diện tích khoảng 17,8km2, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thuận lợi cho phát triển du lịch. Không thua kém Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân có rừng nguyên sinh, núi, biển và có nhiều bãi triều, nhiều vụng có thể tiến hành câu cá, thể thao giải trí, có nhiều điểm cắm trại dã ngoại.
Đặc biệt là nhiều bãi tắm rất đẹp, hoang sơ, phải kể đến bãi Ba Châu, Hải Quân cát trắng mịn, trải dài ngút tầm mắt. Thanh Lân còn có đỉnh Cáp Cháu cao 210m so với mực nước biển, trèo lên trên đỉnh có thể quan sát thấy cả vùng trời biển rất đẹp; có khoảng 2.000ha rừng tự nhiên, thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá. Người dân đảo thân thiện, gần gũi mến khách...
Thanh Lân được ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. |
Không chỉ vậy, vùng biển quanh đảo có sự đa dạng về sinh học, có giá trị nguồn gen, đặc biệt là rong biển, thực vật phù du, động vật phù du khá đa dạng và những động vật tầng đáy có giá trị kinh tế cao như: Bào ngư, trai ngọc, hải sâm, móng tay, mực, sứa đỏ… Có thể nói Thanh Lân hội đủ điều kiện để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Công Hùng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân, cho biết: Với tiềm năng đó, thời gian qua, Thanh Lân tranh thủ mọi sự quan tâm tạo điều kiện của huyện để bắt tay phát triển du lịch, phát huy thế mạnh du lịch địa phương, trở thành "vệ tinh" du lịch cho đảo Cô Tô lớn.
Theo định hướng này, xã Thanh Lân thời gian qua đã tranh thủ các nguồn lực, phát huy thế mạnh riêng, sự chủ động của người dân, doanh nghiệp để phát triển dịch vụ du lịch. Với nỗ lực đó, du lịch dịch vụ của xã đảo đã có đổi thay khá rõ nét so với khoảng 5-7 năm trước.
Đến xã đảo thời gian này, chúng ta có thể nhận thấy diện mạo đường sá khang trang, nhiều nhà nghỉ khách sạn mọc lên, các cung đường ra các điểm du lịch cơ bản đã được bê tông hoá, thuận lợi đi lại. Cơ sở lưu trú xã tăng nhanh, nếu như năm 2013 chỉ có 3 cơ sở lưu trú, năm 2016 đã tăng lên 10, tới nay đã có hơn 10 cơ sở lưu trú, tổng số phòng là trên 200.
Bãi biển Ba Châu là một trong các bãi biển hoang sơ, tuyệt đẹp ở Thanh Lân. |
Giao thông đi lại xã đảo cũng có phần chuyển biến giúp “kéo gần” khoảng cách xã đảo Thanh Lân với đất liền cũng như với các đảo khác. Ngoài tuyến đò nối với đảo Cô Tô lớn, năm 2017, Công ty Nguyên Việt đã chính thức chạy tuyến Vân Đồn - Thanh Lân, tần suất 1 chuyến/ngày.
Về dịch vụ, gần đây Thanh Lân có sự phát triển khá tốt, là hậu cần cung cấp lương thực, thực phẩm, nông, thuỷ sản cho du lịch địa phương và cho đảo Cô Tô lớn. Các hộ kinh doanh ở Thanh Lân đã biết khai thác, chế biến tăng giá trị các loại thuỷ hải sản đặc trưng, có giá trị kinh tế cao phục vụ du lịch như: Mực, tôm, ốc hương, đặc biệt là các cơ sở nuôi rong biển, hải sâm, bào ngư, chế biến sứa và sứa ăn liền, phục hồi và phát triển cây cam bản địa Thanh Lân cho năng suất cao. Trung bình thu nhập của số hộ này đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.
Để du lịch Thanh Lân phát huy thế mạnh
Cho tới nay dù đã có những bước chuyển đáng kể về du lịch dịch vụ, thế nhưng thực sự Thanh Lân chưa khai thác hết thuận lợi, tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi. Mặc dù liên tục từ những năm 2013, huyện Cô Tô đã quan tâm có những chính sách rất cụ thể, hỗ trợ vận tải, lãi suất phát triển các loại hình du lịch, khuyến khích phát triển thương mại… nhằm tạo lực đẩy, sức hút cho du lịch Thanh Lân. Nhưng dường như du lịch Thanh Lân vẫn tiến chậm, chưa thực sự tạo được nhiều đổi thay.
Theo định hướng, tương lai du lịch Thanh Lân cần có hạng mục du lịch mới để khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển về sinh thái, giải trí đồng thời tối ưu hóa quỹ đất có thể phát triển, tạo thế liên hoàn bổ sung cho trung tâm Cô Tô, làm điểm đến bổ sung.
Cảng bến và vận chuyển kết nối du khách với đảo Thanh Lân là vấn đề cần giải quyết để du lịch xã đảo phát triển mạnh hơn. |
Huyện Cô Tô cũng tổ chức nhiều cuộc tháo gỡ khó khăn, tìm hướng cho phát triển du lịch dịch vụ xã đảo Thanh Lân. Trong đó, chỉ rõ cách làm, sản phẩm để du lịch Thanh Lân hút khách. Thế nhưng để phát triển thế mạnh, có lẽ du lịch Thanh Lân cần đặc biệt quan tâm tới các vấn đề về giao thông, hạ tầng du lịch và sự chủ động, thay đổi tư duy làm du lịch.
Trước hết, có thể dễ thấy, giao thông kết nối Thanh Lân với Cô Tô lớn, các đảo xung quanh và đất liền hiện đang rất yếu và không được cải thiện, thậm chí đuối dần đi. Hiện kết nối đất liền với xã đảo Thanh Lân chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của tàu cao tốc Nguyên Việt, chạy 1 chuyến/ngày.
Ngoài ra, còn một con đường khác du khách có thể từ đảo Cô Tô lớn sang Thanh Lân tham quan bằng đò hoặc tàu cao tốc. Nhóm phương tiện này gồm các tàu gỗ từ 30-40 khách/tàu, 1 tàu cao tốc khoảng 45 khách. Tần suất hoạt động 4 chuyến/ngày (tàu sang Thanh Lân: 7h00 và 13h; tàu về: 12h30 và 16h30).
Thực tế cho thấy, mô hình tổ hợp tàu này hoạt động có nhiều nhược điểm. Lịch trình này nhiều điểm chưa thực sự phù hợp. Du khách phải khởi hành quá sớm vào buổi sáng, lại về quá sớm dịp trưa khi còn chưa tham quan nhiều, lưu trú hoặc dùng bữa trưa tại Thanh Lân. Ngoài ra, trên cơ sở thống nhất, các tàu luân phiên chạy 10 ngày/tháng.
Trong thời gian 10 ngày này, các chủ tàu được quyết định trên tuyến, đoàn khách nào có nhu cầu hợp đồng thuê tàu tham quan Thanh Lân thì chỉ được phép ký kết với duy nhất chủ tàu đó, không được phép ký kết với tàu khác. Đó là chưa kể, các tàu gỗ còn lại còn cũ kỹ, ít được sửa chữa, cải hoán mới, khiến du khách không yên tâm, đặc biệt khi biển động hoặc mưa gió...
Ngoài ra, để phát huy được tiềm năng, trở thành điểm đến bổ sung, trước mắt du lịch Thanh Lân cần chủ động "làm mới" mình bằng việc quan tâm cải thiện bãi tắm, cảnh quan, dịch vụ... Bởi hiện Thanh Lân cũng chưa có bãi tắm đạt chuẩn nào phục vụ du khách dù xã đảo có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, còn san hô. Nhiều năm nay, các bãi tắm vẫn chưa có dịch vụ nào phục vụ du lịch như: Nhà tắm tráng, chụp ảnh, ăn uống nên tiềm năng vẫn ở dạng tiềm năng!
Chế biến sứa, các loại thuỷ hải sản và các sản phẩm địa phương là thế mạnh của Thanh Lân. |
Đồng thời, xã đảo nên quan tâm, đề xuất mở thêm các tuyến mới tham quan kết nối Thanh Lân - Cô Tô con. Đây không chỉ là sản phẩm mới mà còn tăng thêm tuyến, điểm; thu hút thêm khách, làm đa dạng chương trình tham quan của du khách. Theo thống kê, trung bình có khoảng 30.000 khách/năm tham quan đảo Cô Tô con. Trong khi đó, khoảng cách địa lý, cung đường từ Thanh Lân sang Cô Tô con thuận lợi, khá gần về địa lý, chỉ chừng 3-4km.
Có thể thấy, những cái khó này đang “bó” tiềm năng du lịch của xã đảo. Bởi lượng khách tới tham quan đảo ít đồng nghĩa với việc dịch vụ, hạ tầng lưu trú cũng không phát triển. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng cho biết: Quả thật du lịch Thanh Lân còn nhiều việc phải làm. Điều chính quyền và nhân dân xã đảo mong muốn được quan tâm đầu tư về hạ tầng, cảng bến, sớm hoàn thiện quy hoạch để khi phát triển đồng bộ và quản lý dễ hơn; đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng phù hợp với thế mạnh của Thanh Lân.
Được biết, trong tương lai Thanh Lân sẽ được hoạch định hình thành trung tâm du lịch dịch vụ mới, bến tàu du lịch, phát triển nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao, nối kết với đảo Cô Tô lớn... Sau khi hoàn thành quy hoạch cụ thể, chắc chắn sẽ mở ra vận hội mới cho Thanh Lân với nhiều nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, để đón đầu cơ hội này, có lẽ trước mắt bằng những gì hiện có, Thanh Lân nên chủ động, tích cực phát huy nội lực, sức sáng tạo, mạnh dạn tìm phương án tốt nhất cho các vấn đề còn tồn tại trên.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()