Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Để phát huy thế mạnh cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc)
Thứ 6, 19/07/2024 | 13:57:02 [GMT +7] A A
Ngày 25/6/2024, cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa đã đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh tế biên mậu và du lịch giữa hai bên. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa, còn có những tồn tại cần sớm được tháo gỡ.
Cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa đi vào hoạt động là bước cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu), KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời là một trong những nội dung được cụ thể hóa kết quả chuyến thăm chính thức Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Ninh vào tháng 2/2024; góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Ông Phạm Đức Thắng, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Việc mở chính thức cặp cửa khẩu song phương giúp địa phương có động lực để phát triển kinh tế biên mậu, du lịch. Đặc biệt, thông quan hàng hóa sẽ kéo dài 8 tiếng/ngày. Các thủ tục thông quan đều được cải thiện và sẽ đẩy nhanh thời gian thông quan cũng như kiểm soát hàng hóa qua địa bàn an toàn. Với tiềm năng và quy mô phát triển lớn, trong thời gian tới, cửa khẩu Hoành Mô sẽ trở thành cửa khẩu quan trọng trong giao lưu kinh tế đối ngoại, phát triển mậu dịch biên giới. Đây là định hướng để địa phương mở rộng đầu tư hạ tầng, logistics khu vực cửa khẩu, phát triển ngành nghề, phụ trợ KKT cửa khẩu; là động lực để chúng tôi nâng cao đời sống thu nhập của nhân dân...
Hiện tại, cửa khẩu Hoành Mô mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Giấy đế, vỏ keo, mây tre, hồi, quế, hạt tiêu, hạt điều, mít sấy, long nhãn, chè khô...; hàng nhập khẩu chủ yếu là gạch ốp lát, giày dép, một số linh kiện phụ tùng ô tô... Tổng kim ngạch XNK qua cặp cửa khẩu này trong 5 năm gần đây đạt trên 80 triệu USD/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô đã làm thủ tục thông quan cho gần 2.100 tờ khai, kim ngạch đạt trên 64 triệu USD, thu ngân sách đạt gần 77 tỷ đồng (tăng 65% về số tờ khai và tăng 40% về kim ngạch, tăng 76% về thu ngân sách so với cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh những thuận lợi, hiện hoạt động XNK tại cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung vẫn còn những khó khăn nhất định. Đối với hàng xuất khẩu, từ khi mở cửa khẩu phía Trung Quốc chỉ nhận mặt hàng nông sản (keo, quế, hồi, rổ rá…) theo hình thức nhập khẩu cư dân biên giới (trị giá 8.000 tệ/xe điện). Đối với hàng nhập khẩu, từ đầu tháng 6/2024, phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ kích thước và trọng tải các xe chở hàng nhập khẩu sang Việt Nam và tăng tỷ lệ kiểm tra đối với tất cả các mặt hàng, nhất là hàng hóa tiêu dùng dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã chuyển nơi làm thủ tục đến các cửa khẩu khác.
Còn tại lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa, dự báo trong thời gian tới, lưu lượng hàng hóa XNK gia tăng, trong khi đó các điều kiện về cơ sở hạ tầng, một số hạng mục công trình tại khu vực cửa khẩu đã được đầu tư xây dựng từ lâu, quy mô nhỏ, công năng hạn chế cũng như chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP (ngày 21/1/2014) của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16/6/2023 của Chính phủ). Cụ thể: Khu vực sân bãi đỗ xe bốc xếp hàng hóa XNK là khu vực sân bãi gắn liền với cửa khẩu không có hệ thống kho, bãi riêng, không có hàng rào ngăn cách; trong khu vực cửa khẩu không có địa điểm đảm bảo diện tích, vị trí để lắp đặt các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh, chia sẻ: Về cơ chế chính sách, hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC qua lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa được áp dụng chính sách như đối với cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung. Phương tiện Việt Nam chở hàng được phép XNC sang Trung Quốc và ngược lại; chủng loại hàng hóa XNK qua cửa khẩu được mở rộng. Để tận dụng tối đa những chính sách trên, mong rằng tỉnh tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng, mở rộng, sửa chữa các điều kiện về hạ tầng như: Nhà làm việc liên ngành tại cầu tạm, khu vực nhà kiểm tra hàng hóa, kho, bãi….; đầu tư các trang thiết bị đảm bảo đồng bộ, hiện đại hướng tới việc xây dựng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền triển khai việc thực hiện các thủ tục XNC cho người qua lại biên giới; thiết lập đầu mối trao đổi thông tin với phía Trung Quốc, nhằm kịp thời cung cấp các thông tin liên quan đến chính sách thương mại giữa hai bên đến người dân, doanh nghiệp.
Liên quan đến những tồn tại trên, ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Quỳnh, đại diện Công ty TNHH MTV Mochi Quảng Ninh, cho biết: Việc chính quyền hai bên đưa cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa vào hoạt động đã đáp ứng mong mỏi của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, du lịch sau sự kiện này, chúng tôi mong rằng các cấp, ngành có thẩm quyền sẽ tăng cường đàm phán với phía Trung Quốc để nhận các mặt hàng xuất khẩu như các cửa khẩu song phương khác như: Thủy sản đông lạnh, hoa quả, sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo…
Có thể thấy rằng, để phát huy lợi thế của cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung và lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc), các hạn chế và tồn tại trên cần sớm được các cấp chính quyền chung tay tháo gỡ và có những chiến lược đầu tư trong nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực cửa khẩu.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()