Tất cả chuyên mục

Tuy là huyện đảo còn nhiều khó khăn, nhưng vấn đề giáo dục lịch sử địa phương luôn được huyện Cô Tô rất chú trọng. Theo đó, địa phương đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh theo từng cấp học...
![]() |
Các em học sinh đến dâng hương báo công với Bác tai khu đền thờ Bác Hồ (thuộc khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô). Ảnh do Huyện Đoàn Cô Tô cung cấp |
Để đảm bảo triển khai hiệu quả, Cô Tô đã thành lập 1 tổ biên soạn 4 cuốn tài liệu, nội dung tập trung vào những nét nổi bật nhất của lịch sử địa phương. Các em học sinh từ lớp 4 đã được tìm hiểu về lịch sử Cô Tô giai đoạn trước và sau năm 1945, lịch sử Đảng bộ địa phương một cách khái quát nhất. Lên lớp 5, các em được tìm hiểu những sự kiện lịch sử quan trọng một cách đầy đủ hơn, như về trận đánh của Đại đội Ký Con trên đảo Cô Tô, về Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch và cả về điều kiện địa lý, khí hậu, tài nguyên v.v. của đảo. Mặc dù là nơi thân quen hàng ngày nhưng ít nhất mỗi năm một lần, các em nhỏ lại được nhà trường tổ chức đi tham quan, nghe giới thiệu về lịch sử các điểm di tích gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm Cô Tô. Cùng với đó, các em còn tham gia nhổ cỏ, trồng hoa v.v. tại khu mộ các liệt sĩ của Đại đội Ký Con trên đảo, tổ chức giao lưu tìm hiểu lịch sử địa phương…
Chị Nguyễn Thị Mến, chuyên viên phụ trách khối THCS (Phòng GD-ĐT huyện Cô Tô) cho biết: Cả huyện hiện có 11 cơ sở giáo dục, đào tạo, trong đó có hơn 1.000 em học sinh được học lịch sử địa phương (từ lớp 4 đến hết lớp 12). Tuy nhiên, cũng những nội dung như trên nhưng với các em học sinh THCS, cách thức giới thiệu sâu hơn, chi tiết hơn. Như với trận đánh của Đại đội Ký Con ở Cô Tô chẳng hạn, các em học sinh tiểu học chủ yếu chỉ nghe kể chuyện, tường thuật lại, còn với học sinh THCS thì yêu cầu các em tự tường thuật, kể lại hoặc viết bài tìm hiểu về nhân vật, diễn biến trận đánh với những phân tích, đánh giá sâu hơn. Quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ kết hợp các tài liệu lịch sử trong sách giáo khoa và các nguồn khác để tự soạn giáo án riêng cho học sinh phù hợp với lịch sử của huyện…
Năm nào cũng vậy, Phòng GD-ĐT huyện đều có những chuyên đề về lịch sử, văn hoá địa phương vào các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, như Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3, Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh 15-5, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11… Các chuyên đề có nội dung khác nhau nhưng đều gắn với việc giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh. Các trường học trên địa bàn cũng thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khoá, tìm hiểu lịch sử; tổ chức trò chơi giống các “game show” truyền hình tìm hiểu về lịch sử địa phương; gắn công tác rèn luyện đội viên với chuyên hiệu “Nhà sử học nhỏ tuổi”. Riêng Trường THCS thị trấn Cô Tô đã nhận chăm sóc Khu lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô, cùng với Khu tượng đài liệt sĩ của huyện.
Chị Mến cũng cho biết, nhằm tạo sự thoải mái, chủ động cho học sinh khi học lịch sử, từ năm học vừa qua, trong các bài kiểm tra lịch sử, các giáo viên không yêu cầu học sinh học thuộc mà ra các đề mở, học sinh có thể kể hoặc viết cảm nghĩ ngắn về một nhân vật, một chiến công trong lịch sử mà các em biết.
Chia sẻ về cách dạy sử của mình, chị Hà Quỳnh Nga, giáo viên chuyên Sử Trường THCS thị trấn Cô Tô, nói: “Khi dạy các tiết học sử địa phương, tôi thường để các em tự suy nghĩ và viết cảm tưởng của mình sau khi đi tham quan thực tế. Tôi cũng sưu tầm rất nhiều những tư liệu, nghiên cứu kỹ, mở rộng để bài giảng được phong phú. Trong các tiết kiểm tra, tôi đưa vào những câu hỏi theo hướng mở để các em tư duy, giống như một cách tự kiểm tra, đánh giá lại…
Trò chuyện với em Nguyễn Hoàng Anh Minh, học sinh Trường THPT Cô Tô, từng là học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh khối PTCS môn lịch sử năm học 2011-2012, em chia sẻ: Em chỉ thực sự yêu thích lịch sử từ khi vào lớp 8, cô giáo dạy sử là người đã truyền tình yêu ấy cho em. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, em cũng chọn môn lịch sử là môn tự chọn và đăng ký thi khối C. Em sinh ra và lớn lên ở Cô Tô, việc Bác ra thăm đảo ai cũng thuộc lòng cả, gắn liền với cuộc sống hàng ngày rồi, nhưng lần đầu tiên thăm khu nhà lưu niệm Bác Hồ trong dịp Đại hội cháu ngoan Bác Hồ của huyện khi học lớp 7, em thực sự rất bất ngờ, thích thú, em đã gọi các bạn đến cùng đọc các tư liệu với mình. Bất ngờ nữa là khi tìm hiểu về trận đánh của Đại đội Ký Con ở Cô Tô, em quả thật không ngờ ở huyện đảo này lại từng xảy ra một trận đánh lớn như thế… Lịch sử địa phương là lịch sử mảnh đất mình đang sống, em nghĩ không cớ gì mình lại không tìm hiểu, cho mình và cũng để giới thiệu cho bạn bè, du khách nữa, chứ bạn bè hỏi về quê hương mình mà mình không biết thì thật xấu hổ…
Hải Ly
Ý kiến ()