Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:05 (GMT +7)
Để nông sản Quảng Ninh rộng đường xuất ngoại
Thứ 3, 14/03/2023 | 06:42:42 [GMT +7] A A
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng.
Gần đây, các nước trên thế giới đưa ra yêu cầu khắt khe về các mặt hàng nông sản. Theo đó, muốn xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường các nước thì điều kiện quan trọng là các mặt hàng nông sản phải được sản xuất từ vùng trồng được cấp mã số. Nhận thấy tính cấp thiết của việc cấp mã số vùng trồng, thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho một số cây trồng, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có 41 vùng trồng; 5 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Bao gồm 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 6 vùng trồng ở Đầm Hà; 9 vùng trồng ở Hải Hà và 1 vùng trồng ở Quảng Yên; 5 cơ sở đóng gói nhãn, vải, thanh long, măng cụt, chôm, xoài, chuối, mít, dưa hấu, phục vụ xuất khẩu tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Móng Cái. Các vùng trồng này đều đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, đủ điều kiện cấp mã số sẵn sàng xuất khẩu. Có thể nói, đây là lợi thế lớn đối với hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Điển hình như tại TP Uông Bí, những năm gần đây, sản phẩm vải chín sớm Phương Nam của địa phương đã ngày càng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Tại đây, hiện có gần 400ha trồng vải chín sớm với sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tấn. TP Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP và cấp mã số vùng trồng trên địa bàn. Dự án được thực hiện trên 280ha vải chín sớm với khoảng 1.000 hộ tham gia, tổng mức đầu tư hơn 15,9 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đã cam kết thực hiện nghiêm túc chấp hành và áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường.
Theo đại diện Công ty XNK nông sản Sao Á, cho biết: Doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các hộ dân tại phường Phương Nam. Hiện nay, sản phẩm ký kết là 300 gốc vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, để quả vải đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đơn vị luôn kiểm tra, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn. Mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ, như đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc... đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Quảng Ninh, thời gian qua, Chi cục phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng trọt triển khai đăng ký, xây dựng quy trình sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ thông tin, quá trình chăm sóc, thu hoạch vào sổ nông hộ; khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng quá trình triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn bởi Quảng Ninh là một tỉnh vùng núi có địa hình trải dài, rộng, nhiều địa hình hiểm trở gặp nhiều trở ngại trong việc kiểm tra thực địa, thiết lập, quản lý, giám sát vùng trồng. Thêm vào đó, việc sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều nên việc đảm bảo theo tiêu chí diện tích đối với một số loại cây trồng (cây ăn quả...) tại nhiều nơi chưa đạt. Công tác tuyên truyền về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn hạn chế nên các tổ chức, cá nhân, người dân chưa hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nên không chủ động làm hồ sơ để cấp mã. Một số ít chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và định hướng đến việc thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng thời xây dựng kế hoạch quản lý, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói giai đoạn 2023-2025; mở rộng mô hình ứng dụng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS trong quản lý mã số vùng trồng trên các cây trồng có tiềm năng xuất khẩu như quế, hồi, chè, trà hoa vàng... Ngành cũng tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()