Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:31 (GMT +7)
Để nông dân giàu có
Thứ 7, 01/04/2023 | 12:22:31 [GMT +7] A A
Thực hiện chương trình xây dựng NTM đến năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020 (46,1 triệu đồng/người). Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Giảm nghèo bền vững
Một trong các nhiệm vụ tỉnh ưu tiên hàng đầu là thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2023 tỉnh phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo. Tỉnh sẽ hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; thực hiện các mô hình, tập huấn kỹ thuật… Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc, chống suy dinh dưỡng; tăng cường hướng dẫn chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; nâng cao năng lực y tế cho nhân viên y tế thôn, bản…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo. Đáng chú ý, tỉnh sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, bảo hiểm y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, tiền điện…
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đây là giải pháp quan trọng, tiếp tục kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh thời gian qua; đồng thời giúp các hộ còn khó khăn, thoát nghèo chưa bền vững, có nguy cơ tái nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ để cải thiện đời sống.
Thúc đẩy phát triển sản xuất
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh sẽ tạo đột phá phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ của tỉnh; đổi mới hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đảm bảo đồng bộ, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới…
Phát triển sản xuất được xác định là nền tảng quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn; xây dựng hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình OCOP và Đề án "Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh; xây dựng, nhân rộng và liên kết các mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, gắn với phát triển đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững.
Cùng với đó, phát triển các khu ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều, huyện Đầm Hà, huyện Tiên Yên và vùng sản xuất tập trung về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, qua đó giải quyết việc làm cho lao động, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm, đa giá trị. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung 8 nhóm giải pháp theo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Trọng tâm là phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; kết nối các sản phẩm đặc thù tạo thành chuỗi; qua đó nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi nhận thức về sinh kế, giảm nghèo bền vững.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, thúc đẩy chương trình thanh niên khởi nghiệp…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục bố trí vốn từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai cho vay vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()