Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 17:02 (GMT +7)
Để níu chân du khách
Thứ 4, 28/12/2022 | 11:32:09 [GMT +7] A A
Mặc dù ngành du lịch tỉnh đã có đà tăng trưởng ấn tượng trong năm qua, tuy nhiên để đảm bảo nguồn khách ổn định và bền vững, chính quyền và doanh nghiệp cần tiếp tục chung tay thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, xúc tiến du lịch. Trong đó, việc triển khai các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thu hút và níu chân du khách.
Trong năm 2023, ngành du lịch dự kiến sẽ hình thành các sản phẩm du lịch theo chủ đề dọc tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và hình thành các sản phẩm đặc thù, riêng có của từng địa phương trên tuyến. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử, gốm sứ mỹ nghệ, du lịch đồng quê... tại TX Quảng Yên và TP Uông Bí. Tại khu vực TP Hạ Long sẽ khai thác giá trị Vịnh Hạ Long, nghỉ dưỡng, sinh thái trên các đảo; du thuyền tham quan, thương mại, mua sắm, MICE... Khu vực Vân Đồn và Cẩm Phả tập trung vào nghỉ dưỡng, ẩm thực biển, du thuyền tham quan... Tại các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà sẽ ưu tiên cho du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm. Tại TP Móng Cái sẽ phát triển vui chơi, giải trí, ẩm thực biển, MICE, casino... Theo tính toán, việc xây dựng “con đường du lịch” này có thể tạo ra tăng trưởng thêm cho hoạt động du lịch từ 15-20%/năm.
Còn tại thủ phủ Hạ Long, địa điểm được nhiều du khách yêu thích, hiện các sản phẩm du lịch mới còn khá hạn chế, chưa tạo sức hút mạnh mẽ với du khách. Một số sản phẩm đặc thù hấp dẫn vẫn chủ yếu tập trung vào mùa hè. Vì vậy, để đưa Hạ Long trở thành trung tâm du lịch 4 mùa mang đẳng cấp quốc tế, tỉnh sẽ phát triển nhiều dòng sản phẩm độc đáo bám sát tài nguyên du lịch Vịnh Hạ Long. Trong đó có du lịch trải nghiệm câu cá, đánh cá cùng ngư dân Vịnh Hạ Long, tập trung ở các khu vực vụng Hà, Ba Cát; vụng đền Bà Phơi Lưới; vụng Hang Thầy, tùng Cống Đỏ, tùng Cặp La thuộc tuyến tham quan số 4 Vịnh Hạ Long.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long: Thực tế, các hoạt động truyền thống của ngư dân như khai thác đánh bắt thủy hải sản hay đua thuyền Rồng là những sản phẩm du lịch rất hấp dẫn, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách được trải nghiệm, tìm hiểu sinh kế của cộng đồng ngư dân Vịnh Hạ Long. Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp với Sở Du lịch nghiên cứu các phẩm này. Dự kiến, sẽ tổ chức tại khu vực tuyến 4 (làng chài Vông Viêng), trên Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, TP Hạ Long cũng sẽ đưa vào khai thác hoạt động thể thao gắn với du lịch như thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long, leo núi Bài Thơ để mang đến trải nghiệm đa dạng hơn cho du khách.
Có thể thấy, với việc sở hữu Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ, Quảng Ninh có thể phát triển tối đa các sản phẩm du lịch gắn với những tiềm năng này. Một trong những định hướng được ngành du lịch quan tâm đó là xây dựng các tuyến du lịch kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long, khảo sát xây dựng tuyến du lịch kết nối Hạ Long với Vườn Quốc qia Ba Mùn; tuyến du lịch tầu cao tốc tham quan Vịnh Bái Tử Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (hang Thiên Cảnh Sơn, Công viên Đá Xếp, Làng chài Vung Viêng); tuyến du lịch Đảo Nêm, Bãi tắm Vạn Giếng, Soi Dậu, Vạn Ruội. Ngoài ra, sẽ đưa một số bãi tắm mới vào phục vụ du khách như: Bãi biển tại hang Thiên Cảnh Sơn (Hòn cỏ); bãi tắm tại một số điểm neo đậu tàu lưu trú.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch biển ở Vân Đồn, Cô Tô như tham quan mô hình nuôi trồng thủy hải sản, đánh lưới, câu cá với ngư dân xã; tắm biển, chèo thuyền kayak. Đồng thời, phát triển dịch vụ tàu tham quan, tàu nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn hay đưa hoạt động du lịch lặn biển gắn với bảo tồn san hô, xây dựng bãi tắm tại xã Thanh Lân (huyện Cô Tô).
Không chỉ phát triển tài nguyên biển, ngành du lịch cũng hướng tới các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững. Trong đó, đưa vào hoạt động các mô hình tham quan vườn cây nông nghiệp như: Vườn cam, cây chè cổ (chè Vân) tại xã Bản Sen, Quan Lạn (huyện Vân Đồn); du lịch sinh thái Nông trại Nhật Vượng, xã Hải Xuân (TP Móng Cái); đồi chè xã Quảng Long (huyện Hải Hà); trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, xã Thống Nhất, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (TP Hạ Long); trang trại rau an toàn của Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên)... Hướng đi này góp phần quan trọng phát huy những giá trị văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển bền vững ngành du lịch của tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân bản địa.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Việc phát triển các sản phẩm mới chính là mang đến những trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách, để du khách không chỉ đến Quảng Ninh một lần mà sẽ đến nhiều lần. Các sản phẩm du lịch mới sẽ tập trung phát huy tối đa tài nguyên sẵn có của các địa phương, đồng thời bắt nhịp xu hướng du lịch chung của thế giới. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương làm mới các sản phẩm, tài nguyên sẵn có, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo không gian môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện. Qua đó, khắc phục tính mùa vụ và khai thác hết tiềm năng, thế mạnh du lịch từng vùng miền tại Quảng Ninh.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()