Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:13 (GMT +7)
Để nhân dân hạnh phúc
Thứ 3, 05/09/2023 | 09:29:06 [GMT +7] A A
Hạnh phúc của nhân dân chính là nền tảng quan trọng xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Do đó, trong mọi giai đoạn và trong mọi hành động, quyết sách, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt chú trọng, đặt lợi ích của nhân dân lên trước.
Để người dân được an cư
Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", những năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều giải pháp cụ thể chăm lo cho đời sống nhân dân. Trong đó, việc xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh là chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Thực hiện chủ trương này, tỉnh đã thành lập BCĐ do trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Để triển khai hiệu quả chương trình, các địa phương đã thành lập ban tổ chức do đồng chí Bí thư làm Trưởng ban và các tiểu ban; chỉ đạo cơ quan, đơn vị rà soát đối tượng theo đúng quy định, huy động tổng thể nguồn lực, giám sát chặt chẽ tiến độ, nắm bắt kịp thời nhằm tháo gỡ vướng mắc.
Trong quá trình thực hiện, việc đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả luôn được các địa phương ưu tiên hàng đầu. Vì thế, chương trình đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí, ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ trong một thời gian ngắn, huyện Hải Hà đã huy động từ các nguồn lực tổng số tiền trên 4,6 tỷ đồng (đạt 238% so với kế hoạch). Với sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ và cách làm khoa học, huyện đã vận động 33 hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ cải thiện nhà ở đồng loạt khởi công ngày 26/6/2023.
Đúng sau 2 tháng thi công, huyện đã đồng loạt tổ chức lễ gắn biển, bàn giao nhà cho 33 hộ (18 hộ xây mới và 15 hộ sửa chữa) thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Đây là địa phương về đích sớm nhất tỉnh, giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm an cư lạc nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống.
Việc hoàn thành sớm trước thời hạn của huyện Hải Hà là kết quả từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhất là sự chung tay của các nhà hảo tâm.
Bà Nguyễn Thị Mến (thôn 3, xã Quảng Long, huyện Hải Hà) là một trong những hộ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn. Căn nhà cấp 4 của bà đã xuống cấp từ lâu. Vì thế, mỗi khi mưa to, gió lớn, bà lại phải sang ở nhờ nhà hàng xóm. Qua rà soát, bà Mến là một trong số các hộ được hỗ trợ để xây mới nhà ở theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát của tỉnh. Từ nguồn hỗ trợ 80 triệu đồng của huyện và vốn đối ứng của gia đình, ngôi nhà của bà Mến đã được xây dựng và hoàn thành.
Bà Mến chia sẻ: Căn nhà cũ của tôi được xây đã hơn 20 năm bằng gạch đất, nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, địa phương và các nhà hảo tâm, không biết đến bao giờ ước mơ của tôi về căn nhà kiên cố mới thành hiện thực.
Tiếp sau huyện Hải Hà, các địa phương khác của tỉnh như: Tiên Yên, Cẩm Phả, Quảng Yên... cũng đang tổ chức khánh thành và bàn giao nhà ở cho các hộ dân để sớm ổn định cuộc sống.
Quảng Ninh phấn đấu sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2023, từ đó, giúp người dân an cư lạc nghiệp, cải thiện đời sống, nhân lên niềm tin.
Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho biết: TP Cẩm Phả có 72 hộ dân thuộc đối tượng được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Đây đều là các hộ thuộc đối tượng chính sách (cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số...). Để giúp các hộ dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, thành phố đã phối hợp với MTTQ và các đoàn thể phát động, tuyên truyền, phổ biến, huy động nguồn kinh phí xã hội được hơn 4,9 tỷ đồng đảm bảo đủ giải ngân cho 100% hộ dân đã được phê duyệt. Đến nay, thành phố đã hoàn thành hỗ trợ, khánh thành và bàn giao nhà cho các hộ dân.
Luôn quan tâm chăm lo
Trong chặng đường phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng nhân dân, lấy người dân làm gốc để không ngừng quan tâm, chăm lo, hỗ trợ. Đặc biệt, càng trong những giai đoạn khó khăn, sự quan tâm chăm lo càng được nhân lên gấp bội.
Đối mặt với đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử, người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Do đó, việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân là vấn đề được tỉnh ưu tiên hàng đầu. Để chủ động ứng phó, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề quyết định những giải pháp trọng tâm trong phòng, chống dịch, kiên trì với phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" linh hoạt, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Có thể kể đến như Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tỉnh đã điều chỉnh chi dự phòng các cấp từ 2% lên 4% tổng chi ngân sách; cắt giảm điều chỉnh dự toán chi 600 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, mua sắm tài sản, chi hội họp, đào tạo, tham quan, học tập, công tác nước ngoài... để dự phòng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; chi hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh với mức chi 1 triệu đồng/người/tháng và không quá 3 tháng.
Hay như Nghị quyết số 326/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, tăng mức dự phòng ngân sách ở các cấp lên 4% tổng chi ngân sách địa phương; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp, hạn chế mua tài sản, cắt giảm chi hội họp, đào tạo, tham quan, học tập, công tác phí, những nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết; dành toàn bộ nguồn tiết kiệm thường xuyên ngân sách các cấp kết hợp với nguồn huy động hợp pháp khác để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Quảng Ninh được sớm mua vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho toàn dân.
Nhờ đó, sức khỏe của nhân dân được bảo vệ, đồng thời, hạn chế được các ca Covid-19 có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị, hạn chế được bệnh nhân nặng và hạn chế số bệnh nhân tử vong.
Không chỉ chăm lo sức khỏe, hỗ trợ tối đa cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết: Số 256/2020/NQ-HĐND; số 286/2020/NQ-HĐND; số 316/2020/NQ-HĐND về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020, 2021.
Theo đó, tỉnh đã miễn, giảm một phần trong năm 2020, toàn bộ trong năm 2021 phí tham quan Vịnh Hạ Long, khu di tích Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh, hỗ trợ vé xe bus từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến TP Hạ Long và TP Uông Bí. Từ đó, không chỉ tạo đòn bẩy thu hút du khách, giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi, kích cầu ngành du lịch, mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Xác định giáo dục là quốc sách, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trong 2 năm học liên tiếp vừa qua. Đây là hoạt động cụ thể nhằm chia sẻ khó khăn với người dân sau đại dịch, giảm thiểu chi phí trang trải cuộc sống, giúp nhân dân yên tâm đưa con tới trường.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (khu 6, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) cho biết: Vợ chồng tôi đều làm công nhân, nuôi 2 con đang tuổi đi học. Chúng tôi phải thường xuyên luân phiên nghỉ làm do nhiều nguyên nhân như mắc Covid-19, giãn cách xã hội, thực hiện quy định phòng, chống dịch... Do đó, đồng lương công nhân của 2 vợ chồng bị giảm đi đáng kể. Nhờ có chính sách của tỉnh về hỗ trợ học phí, chúng tôi rất vui mừng, bởi một phần chi phí trang trải cho học tập của các con đã được giảm bớt.
Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu với những đột phá lớn trong phương pháp tiếp cận, thích ứng với tình hình, góp một phần quan trọng trong thành quả phòng chống dịch Covid-19 của cả nước. Quảng Ninh đã kiên cường vượt qua các làn sóng dịch Covid-19, kiểm soát tốt tình hình, chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, giữ được thành quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội một cách vững chắc.
Cao Quỳnh - Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()