Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:22 (GMT +7)
Để nhân dân đón Tết đủ đầy, yên vui
Thứ 3, 16/01/2024 | 13:49:05 [GMT +7] A A
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Để mỗi người, mỗi nhà đón Tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, an toàn, tiết kiệm, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương của Quảng Ninh đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Bám sát Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; huy động sự tham gia của toàn xã hội chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo (theo tiêu chí mới của tỉnh), đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, NLĐ mất việc làm... với phương châm “không để sót đối tượng, không để ai bị bỏ lại phía sau; đảm bảo mọi nhà, mọi người được vui xuân, đón Tết”...
Điển hình, thực hiên chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 527 nhà ở (mức hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà xây mới; 40 triệu đồng/nhà sửa chữa). Ngoài ra, với trên 3,3 tỷ đồng huy động nguồn lực xã hội và trích từ “Quỹ Vì người nghèo”, trong năm 2023, MTTQ tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, người già yếu, có hoàn cảnh khó khăn trong việc khám, chữa bệnh và phát triển sản xuất...
Những ngày này, các tổ chức chính trị - xã hội đang đẩy mạnh công tác vận động và triển khai nhiều chương trình với mong muốn mang một cái Tết trọn vẹn đến những hoàn cảnh khó khăn. Điển hình, các cấp hội CTĐ toàn tỉnh phát động triển khai phong trào “Tết nhân ái - Xuân Giáp Thìn 2024”, với nhiều hoạt động như trao quà Tết, hỗ trợ đột xuất… cho những hộ khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Ở các địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh, các đơn vị, địa phương cũng đã tập trung rà soát, triển khai nhiều chương trình chăm lo Tết cho người nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách, người có công... Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) Nình Móc Mộc cho biết: Trên địa bàn xã có 8 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của tỉnh. Trong năm 2023, xã đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 3 nhà ở cho hộ khó khăn, hộ neo đơn và các gia đình đã chuyển về nhà mới sinh sống ổn định. Những ngày này, chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài việc duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, xã đã phối hợp với Ban CHQS huyện, Ủy ban MTTQ huyện xây dựng kế hoạch, dự kiến ngày 30/1 tổ chức chương trình "Tết xum vầy năm 2024" tại địa phương. Trong đó, sẽ có chương trình gói bánh chưng tặng người nghèo và giao lưu văn nghệ… Đây là hoạt động thường niên, nhằm tạo không khí vui tươi, đầm ấm khi Tết đến, xuân về, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng.
Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và thực hiện chủ trương của tỉnh với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2024, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị LLVT, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tiếp tục quan tâm, đóng góp, hỗ trợ, cùng chung tay, góp sức ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2024) và hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đến ngày 10/1, đã có 183 tập thể, cơ quan, đơn vị, LLVT, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, ủng hộ. MTTQ tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh quán triêt, triển khai vận động đến 100% CBCCVC-NLĐ ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương cho chương trình này.
Hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các KCN, KKT, ngành Than cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, đảm bảo tiền lương, thưởng Tết cho CNLĐ. Công đoàn các cấp trong tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ với phương châm “Tất cả NLĐ đều có Tết”, trong đó có nhiều chương trình như: “Tết sum vầy - Xuân gắn kết", “Tặng quà - Vui Tết”; “Chợ tết nhân ái”, “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”, “Cỗ Tết”…
Theo thông tin từ Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), chương trình “Tết Thợ mỏ năm 2024” tổ chức tại 6 vùng. Trên địa bàn Quảng Ninh sẽ tổ chức tại 3 vùng là: Cẩm Phả (Công ty Than Thống Nhất - TKV); Hạ Long (Nhà thi đấu Công ty CP Than Núi Béo); Uông Bí - Đông Triều (Khu tập thể Trưng Vương, Công ty Than Uông Bí). 3 vùng còn lại là tại các tỉnh: Thái Nguyên, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Chương trình “Tết Thợ mỏ năm 2024” có nhiều hoạt động ý nghĩa, như: TKV tặng quà Tết, hỗ trợ cho 3.000 NLĐ (tiền mặt 2 triệu đồng/người và quà 500.000 đồng/túi); thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết NLĐ có thành tích đặc biệt xuất sắc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công đoàn TKV hỗ trợ vé tàu, xe cho NLĐ về quê ăn Tết thuộc các đơn vị khối lộ thiên, khoáng sản, cơ khí, sàng tuyển, phục vụ, dịch vụ; trao “Mái ấm Công đoàn 2024” cho CNLĐ tại các địa điểm do TKV tổ chức “Tết Thợ mỏ năm 2024”; hỗ trợ tiền Tết cho một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Mặc dù còn có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng các đơn vị đều nỗ lực để đảm bảo cho CNLĐ có Tết đủ đầy. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 10/1/2024, có khoảng 850 doanh nghiệp đã gửi báo cáo về thưởng Tết Nguyên đán. Theo đó, mức thưởng Tết bình quân là khoảng 8,3 triệu đồng/người. Nhiều doanh nghiệp có các chính sách cho NLĐ trong dịp Tết, như: Bố trí xe đưa, đón hoặc hỗ trợ tiền tàu, xe cho NLĐ về quê ăn Tết và quay trở lại làm việc; trao quà Tết...
Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã làm tốt công tác rà soát, xây dựng kế hoạch để chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức lễ hội phục vụ nhân dân và du khách theo quy định; xây dựng kế hoạch, tổ chức các phong trào mừng Đảng, mừng xuân và các ngày kỷ niệm gắn với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, vui xuân... đảm bảo thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát động "Tết trồng cây năm 2024", trong đó chú trọng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao ở những nơi có điều kiện, gắn với trồng 5 triệu cây xanh trên địa bàn theo Đề án “trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ và trồng hoa tại các cơ quan, công sở, đường làng, ngõ xóm... Hiện nay, công tác đảm bảo ATTP, cung ứng đủ điện, nước, viễn thông trong dịp Tết; công tác phòng chống dịch bệnh; ổn định giá cả, đảm bảo cân đối cung - cầu hoàng hóa, dịch vụ, xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu và phương tiện vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhân dân, kều bào ta từ nước ngoài về quê đón Tết đi lại thuận tiện, an toàn cũng được triển khai chu đáo. Qua đó, góp phần đảm bảo cho nhân dân đón Tết cổ truyền của dân tộc được an toàn, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()