Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:43 (GMT +7)
Hướng thiện cho những người lầm lỡ
Thứ 7, 18/06/2022 | 07:57:50 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy và quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người cai nghiện, người sau cai nghiện luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm với nhiều hoạt động cụ thể. Qua đó, góp phần giảm tình trạng tái nghiện, tạo việc làm cho người sau cai để hòa nhập với xã hội, ổn định cuộc sống.
Cai nghiện và hỗ trợ học nghề
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (tại xã Vũ Oai, TP Hạ Long) hiện có đông học viên lao động, học nghề. Người cai nghiện sau thời gian cắt cơn, thực hiện cách ly theo quy định và thời gian học tập nội quy, quy chế được tham gia các hoạt động lao động trị liệu tại Cơ sở để rèn luyện ý thức, thói quen lao động và rèn luyện sức khỏe. Đây vừa là hình thức trị liệu, vừa đào tạo nghề cho học viên tại Cơ sở. Có rất nhiều nghề để học viên tham gia, đào tạo làm việc, như: Trồng rau, chăn nuôi, gia công đan lưới, đan chiếu, làm vàng mã, sửa chữa điều hòa, điện, may công nghiệp...
Học viên Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: Trước đây tôi là lao động tự do, việc làm không ổn định. Theo đám bạn tôi đã lao vào con đường nghiện ngập từ lúc nào không biết. Tôi đã vào điều trị tại Cơ sở được hơn 8 tháng, sức khỏe và tình trạng đã ổn định. Ở đây, tôi được học nghề hàn, sau chuyển qua nghề đan chiếu, đã giúp sức khỏe của tôi tiến triển tốt, không còn cơn. Đây cũng là cơ hội để khi trở về tái hoà nhập cộng đồng, tôi tìm được việc làm. Tôi tự hứa sẽ đoạn tuyệt với ma túy, sẽ tham gia vào các câu lạc bộ để tuyên truyền về tác hại của ma túy để mọi người để tránh xa.
Nhiều học viên của Cơ sở cùng chung tâm sự và quyết tâm cai nghiện, chăm chỉ học nghề để khi hoà nhập cộng đồng sẽ sớm trở thành người có ích... “Không có việc làm ổn định, buồn chán, tôi đã nghiện ma túy đá khoảng gần chục năm nay, ảnh hưởng rất nhiều tới bản thân, công việc và gia đình. Vì vậy, tôi đã tự nguyện xin vào Cơ sở để cai nghiện với mong muốn sẽ làm lại cuộc đời. Ở đây, ngoài việc trị liệu, chúng tôi được đào tạo nhiều nghề để sau này khi trở có cơ hội tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Tôi rất thích nghề sửa chữa điều hòa. Tôi dự định, khi trở về tôi sẽ đi học nâng cao tay nghề để lao động ổn định cuộc sống và tránh xa ma túy” - Học viên Trần Minh Thắng chia sẻ.
Hiện tỉnh chưa có cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, mà chỉ có cơ sở công lập là Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Từ năm 2021, Cơ sở phối hợp, liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp sơ cấp nghề dưới 3 tháng, tập trung vào những nghề mà người lao động có thể tự tạo việc làm, như: Điện nước, hàn, chế biến món ăn, trồng hoa, bảo dưỡng điều hòa...
Sau thời gian học nghề, người cai nghiện được tham gia các hoạt động lao động trị liệu thông qua những nghề đã được học, được truyền nghề, giúp người cai nghiện hiểu được giá trị của sức lao động, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Qua đó, giúp cho các học viên trong thời gian cai nghiện vẫn có cơ hội có tay nghề, được cấp chứng chỉ học nghề để sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng có cơ hội tìm việc làm, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương, giảm nguy cơ tái nghiện.
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh hiện quản lý là 519 học viên, gồm 233 người cai nghiện tự nguyện, 260 người cai nghiện bắt buộc, 26 người bị quản lý trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc.
Ông Phạm Minh Tứ, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Cơ sở tiếp tục liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề mở các lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho những người đang cai nghiện tại Cơ sở. Cơ sở đang phối hợp mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho học viên. Khi học viên học nghề xong, Cơ sở sẽ phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ trong việc cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cơ sở sẽ nhận gia công các sản phẩm may công nghiệp, để người cai nghiện được lao động trị liệu, rèn luyện, nâng cao tay nghề. Hoàn thành chương trình cai nghiện, người lao động có cơ hội tìm việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất hàng may mặc trên địa bàn tỉnh.
Tạo việc làm - thêm cơ hội làm lại cuộc đời
Công tác quản lý người sau cai nghiện khi trở về địa phương là việc làm hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, quan tâm lớn của nhiều cấp, ngành, địa phương, cũng như gia đình, bản thân người sau cai nghiện. Hiện những học viên đã chấp hành xong thời gian cai nghiện được Cơ sở cấp giấy chứng nhận và gửi thông báo cho địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo tổ công tác cai nghiện cấp xã lập sổ theo dõi, đánh giá quá trình sau cai nghiện, phân công giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện thực hiện tái hòa nhập cộng đồng theo quy định về quản lý người sau cai nơi cư trú. Nhiều địa phương đã huy động các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được học nghề, tạo việc làm và tham gia các mô hình, câu lạc bộ sau cai nghiện cùng các hoạt động khác, nhằm giúp người sau cai nghiện tự tin hơn trong tái hòa nhập cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 CLB quản lý sau cai ở các phường, xã, thị trấn: Hồng Hà, Việt Hưng, Bạch Đằng (TP Hạ Long); Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả); Thanh Sơn (TP Uông Bí); Sông Khoai (TX Quảng Yên); Cái Rồng (huyện Vân Đồn); Yên Thọ (TX Đông Triều). Hằng năm, các CLB đều rà soát, kiện toàn ban chủ nhiệm và bổ sung danh sách thành viên là người hoàn thành cai nghiện trở về địa phương tham gia sinh hoạt. Từ đó, hỗ trợ, kết nối dịch vụ về y tế, vay vốn, phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, học nghề, phòng ngừa tái nghiện cho các thành viên CLB...
Nhiều tổ sinh hoạt, CLB đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp cho người sau cai nghiện. Điển hình như CLB Bạn giúp bạn phường Cẩm Tây (TP Cẩm Phả), công tác tuyên truyền, hỗ trợ lẫn nhau được thực hiện linh hoạt. Các thành viên CLB luôn tương trợ, giúp đỡ, khuyên bảo nhau cùng tiến bộ trong cả công việc lẫn cuộc sống hằng ngày.
Anh Phạm Tất Nghĩa, Chủ tịch CLB Bạn giúp bạn, cho biết: Các thành viên CLB luôn tương trợ, coi nhau như người nhà, cùng giúp đỡ nhau vượt qua mặc cảm, tự ti để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Mỗi thành viên một nghề, như buôn bán, kinh doanh đá sạch, chạy xe ôm, taxi..., nhưng tất cả đều gắn kết, quan tâm chia sẻ tâm tư, tình cảm, cùng nhau tuyên truyền cho mọi người tránh xa ma túy bởi những hiểm họa do nó mang lại. CLB hy vọng có thêm nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực hơn nữa trên địa bàn tỉnh để những người từng làm lỡ có thêm mái nhà chung dìu dắt nhau, sớm trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Hiện một số công ty, cơ sở sản xuất đã liên kết với Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh thực hiện dạy nghề, đào tạo. Ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH May Trường Phúc 979, cho biết: Đơn vị đang liên kết với Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh để đào tạo, hướng dẫn học viên may túi nhựa xuất khẩu. Công ty đảm bảo phần máy móc, thiết bị nguyên liệu; Cơ sở đảm bảo về địa điểm, nhân lực. Công ty cử người xuống hướng dẫn, chỉ việc cho các học viên dưới sự giám sát của các cán bộ quản lý Cơ sở. Học viên sau khi điều trị xong có tay nghề tốt, chăm chỉ có thể được nhận vào làm tại Công ty với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, công tác phòng chống, cai nghiện ma túy và đào tạo nghề cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù riêng, nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, cũng như thực hiện công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn. Điển hình: Kế hoạch số 104/KH-UBND (ngày 27/5/2021) của UBND tỉnh và Kế hoạch số 2519/KH-LĐTBXH (ngày 26/7/2021) của Sở LĐ-TB&XH về đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương giai đoạn 2021-2025...
Với những chỉ đạo thiết thực, đồng bộ về các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là công tác phòng chống ma túy, gắn công tác cai nghiện ma túy với hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, đã giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()