Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:02 (GMT +7)
Hưởng ứng Ngày quốc tế Người khuyết tật 3/12 Để người khuyết tật vơi bớt khó khăn trong đại dịch
Thứ 5, 02/12/2021 | 08:07:08 [GMT +7] A A
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã khiến cho cuộc sống của người khuyết tật (NKT) bị ảnh hưởng nặng nề. Thách thức mà họ phải vượt qua càng gian nan hơn bao giờ hết, dẫu rằng rất nhiều NKT đã tìm mọi cách xoay xở để mưu sinh.
Chật vật cơm áo, chồng chất khó khăn
Căn nhà nhỏ ở khu Vĩnh Tuy 2, phường Mạo Khê, TX Đông Triều, cũng là nơi mà vợ chồng chị Đỗ Thị Oanh và anh Phạm Văn Sáu mở cơ sở tẩm quất người mù được gần chục năm nay. Chị Oanh là người khiếm thị, chỉ còn khả năng nhìn 10%, còn anh Sáu khuyết tật nặng hơn khi đã không thể nhìn thấy gì từ lúc chào đời. Gia đình 2 bên đều khó khăn, nhất là gia đình anh Sáu có tới 3 người đều khiếm thị. Song 2 anh chị vẫn nỗ lực dựa vào nhau, đi học và tìm được nghề để mưu sinh trong cuộc sống không được may mắn.
Những tưởng mọi thứ sẽ tốt hơn, thế nhưng kể từ khi “cơn bão” Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp đến nay, cuộc sống của 2 anh chị càng trở nên chật vật hơn bao giờ hết. Mỗi ngày cơ sở đóng cửa là một ngày anh chị “lòng như lửa đốt”, lo lắng cái ăn, cái mặc; lo lắng cho cậu con trai còn bé và xót xa vì đồ nghề chỉ nằm im không thể làm gì.
“Từ đầu năm đến nay, cơ sở của chúng tôi chỉ mở cửa được đúng 1 tháng rồi dừng hoạt động hoàn toàn. Nhà cửa đìu hiu, 2 vợ chồng phải cho một bạn khiếm thị cùng làm nghỉ việc. Càng nghĩ càng buồn! Muốn tự nuôi sống mình nhưng mắt không sáng, lại chẳng biết làm gì giữa dịch này, cơ sở thì đóng cửa nên đành cố gắng sống qua ngày từ khoản trợ cấp xã hội, từ ủng hộ của các nhà hảo tâm và rau dưa mà người thân cho” - Chị Oanh chia sẻ trong tiếng thở dài.
Nghỉ tay sau khi rửa sạch một chiếc xe của khách, anh Vi Xuân Quyết (thôn 2, xã Dân Chủ, TP Hạ Long), chia sẻ: Trời đang nắng bỗng dưng đổ mưa, hay khi trời nóng mà chuyển rét đột ngột như mùa này là tôi cảm thấy rất sợ. Từ khi vụ tai nạn xảy ra 18 năm trước, tôi bị liệt chân phải hoàn toàn. Cứ mỗi khi trở trời là vết thương lại hành hạ cơ thể, đau nhức đến mức có lúc rơi nước mắt, nhưng chỉ biết cắn răng chịu đựng, bởi bây giờ mình là trụ cột trong gia đình.
Vụ tai nạn năm nào đã có lúc khiến anh Quyết tưởng như gục ngã, nhưng kể từ khi có gia đình, anh lại cùng vợ nỗ lực mưu sinh để vun đắp cho tổ ấm và lo cho con. Anh Quyết mở một cửa hàng rửa xe, còn vợ buôn bán thêm. Khuyết tật chân, đi lại khó khăn, nhưng anh vẫn hằng ngày cố gắng chăm chút từng chiếc xe cho khách hàng để có thêm thu nhập. Đã 3 năm từ khi vợ anh nhận tin mắc căn bệnh ung thư quái ác, cũng là từng ấy thời gian anh trở thành người phải lo toan mọi thứ cho gia đình, dù cho cơ thể không lành lặn.
Dịch Covid-19 hoành hành, thu nhập từ việc rửa xe giảm đi tới một nửa, lại phải lo cho con đi học, lo thuốc thang điều trị cho vợ, khó khăn chồng chất khó khăn với anh Quyết. "Những người bình thường trong hoàn cảnh dịch thế này còn vất vả, thì những NKT như chúng tôi càng gian nan hơn. Hoàn cảnh gia đình tôi lại vợ đau ốm, con nhỏ, nhưng tôi không thể bỏ cuộc được. Mình còn phải lo cho con và vợ, nên chỉ mong các hoạt động được khôi phục lại, có thêm sự hỗ trợ để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình" - Anh Quyết mỉm cười tâm sự. Nhưng trong nụ cười và trên gương mặt người đàn ông ấy chất chứa bao ưu tư.
Nhiều NKT gặp khó
Hiện nay, trên địa bàn Quảng Ninh có hơn 21.000 NKT, chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh. Với sự hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện ngày càng nhiều của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và cộng đồng, nhiều NKT đã dần vượt qua được mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống bản thân mà không phải lệ thuộc vào gia đình. Đặc biệt, nhiều người trong số đó đã lập gia đình và trở thành trụ cột kinh tế dù còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê mới nhất của Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh, đến tháng 11/2021, số NKT làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp rất ít; chủ yếu tự làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, có tới 53% NKT từng thất nghiệp; NKT làm chủ cơ sở SXKD chỉ có 2%, còn lại là làm công ăn lương, tự làm và làm việc gia đình.
Với đặc thù công việc như vậy, thu nhập của NKT đều ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Thu nhập bình quân hằng tháng dưới 3 triệu đồng chiếm tới 42%; từ 3-10 triệu đồng chiếm 58%, còn mức thu nhập 10 triệu đồng trở lên hầu như không có.
Khó khăn là vậy, gần 2 năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng tăng thêm gánh nặng, cản trở nhiều nỗ lực, thậm chí dập tắt nhiều cơ hội việc làm để mưu sinh của NKT. Họ hầu như giảm sút phần lớn thu nhập, hoặc không có thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ nhiệm CLB NKT TX Đông Triều, chia sẻ: Những năm qua, Ban Chủ nhiệm CLB đã đi đến nhiều nơi, kêu gọi sự hỗ trợ để đưa NKT đi học nghề, tạo việc làm để NKT tự tin hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, việc làm không còn, Ban Chủ nhiệm CLB đã nỗ lực tìm việc mới, trong đó có may khẩu trang phòng dịch. Nhưng hiện nay khi thị trường bão hòa, chúng tôi còn tồn kho hơn 10.000 chiếc khẩu trang vải 3 lớp và 5.000 khẩu trang kháng khuẩn dùng cho lao động ngành than. Hiện giờ CLB vẫn cố gắng duy trì lượng hàng may nhỏ để NKT không mất việc, nhưng đầu ra cho sản phẩm thì rất khó khăn. Chúng tôi chỉ mong sao được hỗ trợ tiêu thụ để tạo thu nhập, đảm bảo cuộc sống hằng ngày cho NKT.
Tiếp sức cho những số phận kém may mắn
Đứng trước đại dịch Covid-19, NKT không những là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng mà còn gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong đời sống và rất khó tiếp cận việc làm. Xác định được điều đó, thời gian qua Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã tổ chức thêm các hoạt động giúp cho NKT hiểu rõ hơn và được thụ hưởng chính sách đúng, kịp thời, cũng như có cơ hội tiếp cận việc làm. Đồng thời, Hội cũng tích cực kêu gọi và kết nối các doanh nghiệp, nhà bảo trợ, các địa phương, hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện về học tập và cơ hội việc làm cho NKT.
Tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã tổ chức được một cuộc hội thảo tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và nâng cao năng lực phát triển sinh kế cho NKT trên địa bàn tỉnh. Theo chia sẻ của nhiều NKT tham dự hội thảo, đây là lần đầu tiên họ được gặp gỡ trực tiếp với đại diện doanh nghiệp đến trao cơ hội việc làm. Những công việc như bán hàng online, bán xổ số... phù hợp với sức khỏe, điều kiện của NKT và cả tình hình dịch bệnh, đã mang lại cho nhiều NKT tham dự hội thảo sự phấn khởi và niềm tin mới.
“Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, rất khó khăn trong việc huy động quỹ, song với những nỗ lực và sự quan tâm của tỉnh, của cộng đồng, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã kêu gọi được 241 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ và ủng hộ với số tiền, hiện vật trị giá 6,17 tỷ đồng, đạt 155,9% so với năm 2020. Đây là một kết quả rất đáng mừng, từ đó Hội có thêm điều kiện để hỗ trợ NKT&TMC” - ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh, cho biết.
Từ nguồn quỹ đã huy động được, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh và các cấp đã cố gắng sắp xếp thời gian, đảm bảo điều kiện an toàn để tổ chức trao hỗ trợ cho những người kém may mắn. Đặc biệt, với những hoàn cảnh ảnh hưởng nặng do đại dịch, Hội cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình, kêu gọi các nhà hảo tâm trợ giúp, chia sẻ phần nào khó khăn. Điển hình như cuối tháng 11 vừa qua, trực tiếp lãnh đạo hội đã trao hỗ trợ hơn 16,5 triệu đồng cho các thành viên tham gia dự án việc làm cho người khiếm thị huyện Bình Liêu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 15 ngôi nhà, hỗ trợ sửa chữa 1 ngôi nhà cho NKT&TMC. Tính đến hết tháng 11, các cấp hội và các địa phương đã tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên NKT&TMC với tổng trị giá hơn 5,5 tỷ đồng.
“Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên các hoạt động tập trung đông người phải hạn chế, một số hoạt động thăm hỏi, trợ giúp trong năm không thể tổ chức được kịp thời, quy mô cũng phải thu hẹp. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, chúng tôi xác định các hoạt động của Hội sẽ tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch và nỗ lực huy động nguồn lực để hỗ trợ NKT&TMC, nhằm động viên, tạo điều kiện cho họ khắc phục khó khăn, phát huy những khả năng riêng, vượt qua giai đoạn vất vả nhất này” - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cho biết thêm.
Để những NKT có thêm nguồn lực, động lực vượt lên số phận, chiến thắng dịch bệnh, rất cần phát huy tinh thần "tương thân tương ái", cùng chung tay hỗ trợ của cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Khánh Đan
- Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật
- Quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật
- Khởi công xây dựng nhà ở cho người khuyết tật
- Chăm lo, đồng hành cùng người khuyết tật
- Trao tặng 10 xe lăn cho người khuyết tật ở TX Quảng Yên
- Giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng
- Trên 5,1 tỷ đồng ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi Quảng Ninh năm 2021
- Đường tiếp cận cho người khuyết tật cần phải được quan tâm hơn
Liên kết website
Ý kiến ()