Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:37 (GMT +7)
Đề nghị xem xét sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010
Thứ 2, 20/02/2023 | 10:16:05 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010.
Cụ thể như sau:
Về Luật Khoáng sản năm 2010
Về khai thác, sử dụng đất đồi, đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp: Theo quy định tại Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định danh mục khoáng sản làm vật liệu thông thường, gồm: Cát, đất sét làm gạch ngói, đá cát kết, đá quarzit, đá trầm tích, đá phiến, cuội, sỏi sạn, đá vôi và đá dolomit; không quy định đối với danh mục đất đồi để làm vật liệu san lấp mặt bằng trong danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Thực tế đất, đá san lấp, đất đồi là tài nguyên đất, nên xếp riêng khác với tài nguyên khoáng sản, cũng như các loại tài nguyên khác như tài nguyên nước, tài nguyên sinh thái… để đảm bảo tính khoa học và thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên. Nếu xem đất là tài nguyên khoáng sản thì phát sinh nhiều bất cập sau:
(1) Tại Điều 65 của Luật Khoáng sản quy định về Khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình, đều sử dụng cụm từ “phát hiện” có khoáng sản trong quá trình thi công thì cơ quan quản lý có thẩm quyền phải cấp phép theo quy định. Như vậy, hầu hết tất cả các dự án đầu tư xây dựng công trình (không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mà còn trên cả nước) đều có hoạt động đào, đắp (đào móng, đắp san nền…), đều “phát hiện” tài nguyên đất, đất san lấp, do đó: nếu xem tài nguyên đất, đất san lấp là khoáng sản thì hầu hết tất cả các dự án xây dựng công trình đều phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản. Như vậy, thì thực tế việc đầu tư xây dựng hầu hết các công trình hiện nay (bao gồm cả xây dựng nhà ở của dân, dự án đào đắp đê điều, cống rãnh…) đều đang vi phạm các quy định của Luật Khoáng sản.
(2) Nếu xem đất là khoáng sản thì việc quy hoạch thăm dò khoáng sản phải được triển khai thực hiện trên toàn bộ diện tích của cả một tỉnh, một quốc gia vì trên toàn bộ diện tích của cả một tỉnh, một quốc gia đều có đất (đất, bùn đất, đất dưới mặt nước ao hồ, sông, suối, biển…). Điều này đang mâu thuẫn với thực tiễn triển khai thực hiện quản lý và sử dụng tài nguyên đất.
(3) Nếu xem đất là tài nguyên khoáng sản thì để có nguồn đất phục vụ cho san lấp phải thực hiện một loạt các thủ tục hành chính, theo đó Quy trình này gồm nhiều bước (15 bước/thủ tục, tổng thời gian hơn 300 ngày) và chịu sự điều chỉnh của ít nhất 07 Luật: Luật Khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai. Như vậy, việc khai thác đất phải thực hiện thủ tục như khai thác khoáng sản thực tế hiện nay đang là nguyên nhân chính dẫn đến chậm các dự án, (bao gồm cả dự án đầu tư công), gây cản trở cho thực hiện mục tiêu phát triển nhanh của các địa phương và của cả quốc gia.
- Về sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp: Trong định nghĩa về khoáng sản tại Luật khoáng sản có quy định: “Khoáng sản là... khoáng chất ở bãi thải của mỏ ”: như vậy được hiểu rằng bản thân bãi thải mỏ (hay chính là “đất đá thải mỏ ” không phải là khoáng sản. Đất đá thải mỏ thực chất là chất thải rắn công nghiệp thông thường, phát sinh từ hoạt động khai thác, sản xuất than: điều này hoàn toàn phù hợp theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 “Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác” và phù hợp với nội dung tại các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác mỏ than (hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đều đánh giá đất đá thải mỏ than là một trong các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và xác định các biện pháp xử lý, trong đó có thu gom, vận chuyển về bãi thải theo quy định). Nếu đã xác định đất đá thải mỏ than là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì theo Điều 45 Luật bảo vệ môi trường 2014: 1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải. 2. Nhà nước có chính sách khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải. Như vậy, nhà nước khuyến khích tái sử dụng đất đổ thải mỏ với vai trò đây là chất thải.
Thực tế hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang có khối lượng đất đá thải mỏ than rất lớn (khoảng 1.500 triệu m3). Hàng năm, các mỏ than phái sinh hơn 100 triệu m3 đất đá thải, đang chiếm ngày càng nhiều diện tích đất và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và sạt lở đất. Việc tái sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp và làm nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm khác sẽ giúp sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên đất san lấp và tạo nguyên vật liệu mới cho quá trình sản xuất khác. Do vậy, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ là cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ hiện nay thực tế đang chưa được khuyến khích mà còn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về thủ tục hành chính, do đất đá thải mỏ than đang được xem và quản lý như tài nguyên khoáng sản đi kèm than. Để sử dụng đất đá thải mỏ phải thực hiện đầy đủ các một loạt các thủ tục hành chính (đánh giá trữ lượng, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án mỏ, lập hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản... (thẩm quyền thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), với thời gian thực hiện mất khoảng 1 - 1,5 năm (ngay cả khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho tỉnh đối với từng dự án đơn lẻ). Việc này làm cho hoạt động tái sử dụng đất đá thải mỏ gặp nhiều khó khăn, không giải quyết sớm được các nguy cơ gây hại về môi trường, cũng không đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Từ những nội dung nêu trên, đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010, trong đó xem xét, sửa đổi một số quy định còn vướng mắc trong quản lý khoảng sản theo hướng: (1) “Đất, đất san lấp, đất đồi hay tài nguyên đất không phải là khoáng sản; (2) Đất đá thải mỏ than không phải là khoáng sản mà là chất thải rắn công nghiệp thông thường”.
Vấn đề cử tri nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ lập dự kiến xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, đã trình Chính phủ thông qua, dự kiến sẽ xây dựng, trình Quốc hội trong năm 2023, 2024. Bên cạnh đó, trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010. Vấn đề cử tri nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung trong quá trình xây dựng các văn bản nêu trên.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề mà cử tri tỉnh Quảng Ninh quan tâm.
Hà Thanh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()