Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định Lê Minh Tuấn đề nghị Bộ Nội vụ làm ngân hàng đề thi tuyển công chức để các địa phương thực hiện thống nhất.
"Mỗi vị trí việc làm cần xây dựng ngân hàng câu hỏi khác nhau thì Sở khó hoàn thành vì không đủ sức. Mong Bộ Nội vụ xây dựng ngân hàng đề thi công chức giống như ngân hàng đề thi nâng ngạch hiện nay", ông Tuấn nói trong hội thảo đổi mới công tác tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm ngày 15/6, tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý. Người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng gồm 5-7 người. Hội đồng sau đó thành lập các bộ phận giúp việc gồm Ban Kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển, Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi, Ban chấm phúc khảo (nếu có), Ban kiểm tra sát hạch khi tổ chức phỏng vấn tại vòng 2.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cũng phân vân về khâu tổ chức thi tuyển vì ra đề phù hợp với vị trí việc làm rất khó khăn. "Cần quy định điều kiện xác định các đơn vị có năng lực làm đề. Với gói ra đề thi, chấm thi, chúng tôi có được chọn đơn vị có đủ điều kiện, năng lực không hay phải đấu thầu?", ông Đồng đặt câu hỏi.
Đề nghị tăng số câu hỏi trong đề thi tuyển công chức
Phó giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng Đàm Minh Tuấn cho rằng quy định bảo mật câu hỏi thi tuyển công chức rất khó khăn khi phải thực hiện rất nhiều khâu từ ra câu hỏi, gom câu hỏi, thẩm định, chuyển kỹ thuật xử lý. Vì vậy, ông đề nghị tăng số câu hỏi từ 180 lên 1.000 và công khai ngân hàng đề thi này thay vì bảo mật.
"Cần tăng số câu hỏi trong đề thi từ 60 câu lên 100 câu. Ở Lâm Đồng có trường hợp thí sinh chỉ làm 10 phút đã xong 60 câu hỏi", ông Tuấn nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên Trương Ngọc Tuấn lại đề nghị quy định thi tuyển công chức bắt buộc có phần phỏng vấn. Sau khi thi viết, thí sinh cần qua vòng phỏng vấn để đảm bảo minh bạch và việc này cần tổ chức liên tục trong năm, khi các cơ quan có yêu cầu về nhân sự.
"Với nhóm ngành tương đồng thi chung đề thì nên tính tổng chỉ tiêu, ví dụ nhóm ngành kế toán có 30 vị trí, em nào điểm cao nhất thì được chọn vị trí việc làm để tránh việc điểm cao nhưng vẫn trượt", ông Tuấn đề xuất.
Chung ý kiến, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ Nguyễn Hoàng Ba cho rằng thi viết nhằm xác định người có kiến thức chung, nhưng để xác định phù hợp với vị trí việc làm cần có thêm hình thức phỏng vấn. "Nên tổ chức thi viết trước, chọn được những người đủ điều kiện, sau đó tiếp tục thi phỏng vấn", ông Ba đề xuất.
Ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của lãnh đạo các sở để hoàn thiện dự thảo quy trình tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm. Bộ có thể xây dựng ngân hàng đề thi dùng chung cho công chức khối hành chính, song những vị trí việc làm chuyên ngành thực thi chính sách như hải quan, thuế, kiểm toán, quản lý thị trường... thì các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng xây dựng đề, đảm bảo sát với nhu cầu thực tiễn.
Dự thảo quy trình tuyển dụng công chức gắn với vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản (NPA). Có bốn điểm mới là thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào thay cho thi tuyển vòng 1; xác định lại hình thức thi tuyển vòng 2; bỏ phần thi tin học, ngoại ngữ và cho phép đăng ký hai nguyện vọng.
Ý kiến ()