Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:27 (GMT +7)
Phát triển thủy sản bền vững
Thứ 6, 23/09/2022 | 09:07:01 [GMT +7] A A
Với lợi thế có trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng, cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao..., thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Khắc phục thẻ vàng IUU
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo thẻ vàng với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU. Để gỡ thẻ vàng của EC, trong hơn 4 năm qua, cùng với các địa phương có biển trong cả nước, Quảng Ninh đã triển khai rất nhiều biện pháp, hành động quyết liệt chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Đầu năm 2018 tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ban hành Quy chế hoạt động; xây dựng đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EC. Tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, yêu cầu chủ tàu phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu, kẻ vẽ biển số và cấp giấy phép khai thác; hướng dẫn chủ tàu có tàu dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát; điều tra các vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Đồng thời hướng dẫn cấp huyện rà soát, điều tra, thống kê, xác minh thông tin đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m chưa đăng ký theo phân cấp, đưa ra khỏi danh sách quản lý; hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp giấy phép khai thác thuỷ sản, cấp đổi sổ danh bạ thuyền viên tàu cá, thực hiện quy định chứng chỉ thuyền viên tàu cá...
Tỉnh hiện có 6.250 tàu cá (giảm 1.138 tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, vượt gần 600 tàu cá so với mục tiêu tỉnh đặt ra). Toàn tỉnh đã cập nhật thông tin của 4.574/4.574 tàu cá dài từ 12m trở lên vào phần mềm Cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Sở NN&PTNT rà soát việc đồng bộ thiết bị giám sát hành trình của các chủ tàu cá; đồng thời liên hệ, đôn đốc các nhà cung cấp thiết bị để sửa chữa hỗ trợ chủ tàu. Đến nay có 210/210 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên lắp đặt và đồng bộ thiết bị giám sát hành trình; các tàu này đã được cấp giấy chứng nhận ATTP.
Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa đủ điều kiện để công bố cảng cá. Để khắc phục việc này, UBND tỉnh đã thiết lập tạm thời 10 điểm kiểm tra, giám sát tàu cá tại các bến cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từ TP Móng Cái về tới TX Quảng Yên để ngư dân có thể đến khai báo cho cơ quan chức năng. Các địa phương hiện đã thành lập tổ kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thường trực 24/24h.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành chức năng, đến thời điểm này, các tiêu chí cảnh báo thẻ vàng IUU đã được tỉnh gỡ, bao gồm: Công tác ATTP; kiểm soát tàu vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài; kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; xử phạt vi phạm hành chính khai thác thủy sản trái phép; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về IUU và xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác…
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền cho hàng nghìn ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Từ đầu năm 2022 đến nay, các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, xử lý trên 200 tin báo về khai thác thủy sản, xử phạt các vụ vi phạm trên 200 triệu đồng. Từ năm 2021 đến hết tháng 8/2022, các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện trên 2.000 vụ vi phạm khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tịch thu, tiêu hủy hàng trăm thiết bị kích điện, ống hơi, quần áo lặn, lồng bát quái...
Khai thác tối đa lợi thế
Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định rõ mục tiêu: Phát triển toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, để thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp của tỉnh.
Với mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là nuôi biển, để giảm áp lực từ khai thác thủy sản đến nguồn lợi tự nhiên. Tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng giảm diện tích NTTS nội địa, mở rộng diện tích nuôi trên biển phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch bảo vệ và khai thác NTTS...
Đến nay tỉnh đã hình thành được một số vùng NTTS, như: Vùng nuôi tôm gần 9.700ha; vùng nuôi nhuyễn thể 4.383ha; vùng nuôi cá song 550ha; vùng nuôi ghẹ 36ha; vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm, gần 1.855ha... Trong đó con tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của thủy sản Quảng Ninh với khoảng 7.000ha; đặc biệt có 4.000ha là nuôi theo công nghệ 2, 3 giai đoạn, nuôi trong nhà kính, nhà màng… cho giá trị cao gấp 70 lần nuôi tự nhiên. Nhờ đó sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2022 đạt trên 14.000 tấn, là tiền đề để Quảng Ninh đạt mục tiêu 25.000 tấn tôm năm 2022.
Để tăng giá trị cho con tôm, một trong những thành công của Quảng Ninh là thu hút được Tập đoàn Việt - Úc đầu tư sản xuất tôm giống tại chỗ. Từ tháng 3/2019 với mẻ tôm giống đầu tiên 12 triệu con được ra đời, đến nay Tập đoàn Việt - Úc đã sản xuất ổn định tại Quảng Ninh, cung ứng ra thị trường hàng tỷ con giống chất lượng cao mỗi năm, xóa điểm nghẽn về giống tôm nhiều năm qua cho Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ môi trường biển trong NTTS nói riêng, hoạt động khác trên biển nói chung, Quảng Ninh đã đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường tự động. Các số liệu thu thập của hệ thống quan trắc tự động được cung cấp thông tin công khai để nhân dân biết, giám sát, nhằm kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển. Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) thường xuyên giám sát chất lượng nước vùng NTTS. Các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển và ven biển thực hiện quan trắc định kỳ môi trường theo đúng quy định và gửi kết quả về Sở TN&MT. Các ngành chức năng của tỉnh đã lập quy hoạch đồng bộ, đưa ra chỉ dẫn, hướng dẫn giúp ngư dân có phương pháp NTTS phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.
Cùng với các giải pháp trên, Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, nổi bật là các hoạt động: Ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển… Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành thủy sản đã dồn sức thay thế các loại vật liệu thiếu bền vững, thân thiện với môi trường bằng sản phẩm đạt các thông số kỹ thuật tương đương HDPE.
Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được tỉnh chỉ đạo triển khai tích cực. Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh thả trên 11 triệu con tôm, cua, cá giống về môi trường tự nhiên, góp phần tái tạo, duy trì các loại giống thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt. Tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm. Trên cơ sở đó, từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác, định hướng phát triển của tỉnh. Đồng thời tỉnh chú trọng tăng cường bảo vệ và tái tạo các hệ, rạn san hô đang phát triển tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - đảo Trần, từng bước thả rạn san hô nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô, sản xuất giống để thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, ngành thủy sản Quảng Ninh đã có những bước phát triển nhanh, ổn định, từng bước vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()