Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:35 (GMT +7)
Để ngành nuôi trồng thủy sản sớm phục hồi
Thứ 3, 24/09/2024 | 05:34:00 [GMT +7] A A
Là ngành kinh tế thế mạnh của Quảng Ninh, song trận bão số 3 vừa qua đã khiến ngành Thuỷ sản Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề, nhất là những hộ nuôi lồng bè trên biển. Người ít thì cũng vài trăm triệu, người nhiều thì hàng tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bị cuốn trôi theo sóng nước.
Là ngành kinh tế biển quan trọng, chưa bao giờ người làm nghề biển Quảng Ninh phải đối diện với những thiệt hại to lớn, khủng khiếp như hiện nay. Theo báo cáo thống kê thiệt hại bão số 3 của tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 20/9, ước tính tổng thiệt hại ngành thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh là khoảng 3.692 tỷ đồng, các ô lồng bè, nhà bè, dàn hàu, cơ sở nuôi trồng trên biển ở những vùng trọng điểm như Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… bị phá huỷ gần như hoàn toàn, trôi dạt.
Vân Đồn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại lên đến hơn 2.200 tỷ đồng. Toàn bộ 1.120 cơ sở nuôi nhuyễn thể, với 3.680ha; 218 cơ sở nuôi cá với 280ha; 318 nhà bè bị đều thiệt hại do bão; người ít thì vài tỷ đồng, người nhiều thì hàng chục, hàng trăm tỷ. Ông Phạm Văn Long, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn cho biết: Chưa bao giờ thấy cơn bão mạnh đến vậy. Lồng bè nào bị phá hủy thì cá ra hết, lồng nào không bị thủng thì cá bị va đập vào nhau, chết rất nhiều. Các dây nuôi hàu gần như bị mất hết. Tài sản tích góp cả đời của chúng tôi gần như bị mất sạch.
Nghề nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện Vân Đồn, đóng góp quan trọng cho kinh tế địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 85.000 tấn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Để ngành kinh tế này khôi phục trở lại, có lẽ phải mất nhiều năm.
Cũng tương tự như tại huyện Vân Đồn, đối với TP Cẩm Phả - vùng có ngành thuỷ sản khá phát triển, thiệt hại đối với ngư dân, doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn cũng rất lớn. Theo thống kê sơ bộ của TP Cẩm Phả đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 39 hộ nuôi còn giữ lại được được vài phần lồng bè, trên 326 hộ nuôi trồng còn lại gần như thiệt hại hoàn toàn. Đáng nói, do phần lớn các hộ đều nuôi các loại cá có giá trị cao như song, vược, chim vàng… nên thiệt hại về tài sản là rất lớn.
Còn đối với TX Quảng Yên, theo thống kê, gần như toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã đã bị phá huỷ sau bão. Những bè, ô lồng do bão đánh hỏng trôi dạt khắp nơi. Những ngày qua, nhiều người dân vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, cứu lại những tài sản trôi dạt, hy vọng vớt vát lại chút đỉnh để có thể sớm tái sản xuất trở lại.
Đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho khắc phục hậu quả bão số 3. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các ngân hàng có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: Khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp... Cùng với đó, trực tiếp đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có buổi gặp mặt, động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Vân Đồn - địa phương bị thiệt hại nhiều nhất để từ đó có hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp...
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, ngày 19/9, đã có 5 ngân hàng thương mại gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngoại thương Việt Nam (VCB); Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Bản Việt (BVBank) triển khai các chính sách hỗ trợ, như: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Chương trình hỗ trợ được áp dụng chung đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại sau bão số 3. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ban hành gói tín dụng 200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn để phục hồi hoạt động sau ảnh hưởng của bão kể cả cho vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất ưu đãi hơn mức cho vay thông thường.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: Hiện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục cập nhật, tổng hợp thiệt hại của khách hàng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đồng thời, có chương trình tín dụng cho vay mới với lãi suất hợp lý, trong đó cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão để có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Quốc Thắng
Liên kết website
Ý kiến ()