Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:52 (GMT +7)
Để ngăn ngừa sốt xuất huyết bùng phát
Thứ 3, 18/04/2023 | 08:03:09 [GMT +7] A A
Mặc dù không phải đợt cao điểm trong năm về bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhưng thời tiết nồm ẩm như hiện nay là thời điểm thích hợp cho loài muỗi sinh sôi, phát triển mạnh. Bởi vậy, nếu người dân không có biện pháp diệt trừ muỗi, phòng bệnh, nguy cơ bệnh SXH sẽ bùng phát.
Năm nào cũng vậy, phòng, chống bệnh SXH luôn được tỉnh và ngành Y tế quan tâm, có nhiều văn bản chỉ đạo. Theo đó hàng năm, công tác tuyên truyền phòng chống véc tơ truyền bệnh SXH được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp cùng Viện SR-KST-CT Trung ương xây dựng và triển khai lớp tập huấn “Nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát véc tơ SXH Dengue cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện/thị xã/thành phố tại Quảng Ninh”; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn do các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức.
Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã tổ chức được 135 lượt điều tra, giám sát véc tơ SXH tại 13 huyện, thị xã, thành phố; trong đó giám sát định kỳ 73 lượt, giám sát dịch 62 lượt.
CDC tỉnh còn tiến hành 14 lượt điều tra, giám sát ổ bọ gậy nguồn SXH tại 7 xã, phường điểm trong toàn tỉnh; phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương giám sát công tác phòng, chống SXH ; thu thập muỗi, bọ gậy Aedes thử sinh học, thử kháng tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long.
Sở Y tế chỉ đạo các huyện có điểm giám sát véc tơ SXH chỉ số cao vượt ngưỡng triển khai vệ sinh môi trường, phun hóa chất phòng, chống dịch chủ động. Qua đó, từ năm 2022 đến nay, các đơn vị trong ngành Y tế đã phun chủ động trên 353.000m2 phòng SXH tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao với với tổng dân số được bảo vệ là 14.905 người; đồng thời phun, diệt muỗi, côn trùng ở nhiều cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn. Tất cả các ổ dịch SXH năm 2022 đã được chỉ đạo giám sát, đánh giá kết quả véc tơ và xử lý kịp thời, khống chế dịch bùng phát và lan rộng tại cộng đồng...
Mặc dù vậy, theo CDC tỉnh, công tác phòng chống dịch SXH không thể chủ quan, nhất là mùa nồm ẩm như hiện nay là thời điểm thích hợp cho loài muỗi sinh sôi, phát triển mạnh. Riêng năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 184 ca mắc SXH, trong đó 116 ca dương tính. 3 tháng đầu năm 2023, mặc dù ca bệnh SXH có số lượng ít, nhưng mùa nồm ẩm như hiện nay là thời điểm thích hợp cho loài muỗi sinh sôi, phát triển mạnh khiến nguy cơ truyền bệnh cao.
Cũng theo CDC tỉnh, muỗi truyền bệnh SXH là muỗi vằn, trong đó đặc biệt là chủng aedes aegypti. Chúng thường sinh sống ở nơi tối tăm như góc nhà, trên quần áo, chăn màn. Muỗi sinh sản ở trong các ao, hồ, vũng nước, dụng cụ chứa nước hay những đồ có nước đọng. Trên địa bàn tỉnh, loại muỗi này luôn tồn tại. Khi muỗi vằn cái hút máu người mắc bệnh SXH và mang mầm bệnh, thời kỳ ủ bệnh 10-12 ngày, khoảng thời gian này chính là lúc virus nhân lên, di chuyển đến tuyến nước bọt của muỗi, sau đó muỗi truyền bệnh cho người lành thông qua vết đốt.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh SXH, bởi vậy, cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là diệt trừ muỗi Aedes truyền bệnh. Do đó, các tổ dân, khu phố nên vận động các hộ dân phun thuốc diệt muỗi để tạo sự đồng loạt, giúp diệt trừ muỗi trên diện rộng. Để phòng muỗi đốt nên dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; ngủ trong màn.
Bên cạnh đó, người dân cần chú ý đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Nên rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần, thường xuyên thay nước bình hoa và lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Các tổ dân, khu phố, thôn, xóm cần tiếp tục phong trào dọn dẹp vệ sinh môi trường đều đặn; trong đó chú ý thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà (chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...). Khi gia đình có người bệnh sốt xuất huyết cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị, theo dõi kịp thời. Cho người bệnh nằm trong màn để tránh muỗi đốt lây lan bệnh sang người khác.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()