Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:50 (GMT +7)
Để môi trường sống thêm xanh
Thứ 2, 31/10/2022 | 14:48:28 [GMT +7] A A
Sáng 31/10, tại Trường TH&THCS Hoàng Tân (TX Quảng Yên), Quỹ Bảo vệ môi trường và Phát triển đất tỉnh Quảng Ninh thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TX Quảng Yên tổ chức chương trình phổ biến tác hại của rác thải nhựa, hướng dẫn phân loại rác và trao tặng thùng phân loại rác cho các trường học.
Tại chương trình, bà Phan Thị Duyên, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường và Phát triển đất tỉnh Quảng Ninh, phổ biến cho hơn 500 học sinh, giáo viên Trường TH&THCS Hoàng Tân về tác hại của rác thải nhựa, đặc biệt là túi nilon đối với môi trường. Với đặc tính khó phân hủy (phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm mới có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên), túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng.
Vì vậy, việc giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon trở thành yêu cầu cấp bách. Bà Phan Thị Duyên, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường và Phát triển đất tỉnh Quảng Ninh, kêu gọi các thầy cô giáo và các em học sinh tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong mỗi gia đình để nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với môi trường và sức khỏe con người; vận động mọi người trong gia đình từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường để thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Cũng tại chương trình, các thầy cô giáo và học sinh được hướng dẫn kỹ lưỡng về cách phân loại rác từ đầu nguồn. Trong đó, rác vô cơ (sành sứ vỡ, bát đĩa vỡ, gạch, xỉ than, cành cây khô, quần áo cũ, vỏ con ốc, túi nilon, chai nhựa, đồ dùng bằng nhựa…) không tái chế được hoặc khó tái chế phải phân loại để được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn. Đối với rác hữu cơ (rau củ, hoa quả, bã chè, thức ăn thừa…) có thể ủ, chế tạo thành phân bón và được tái sử dụng cho việc bón phân cho cây trồng.
Em Trần Khánh Ngọc, lớp 3A, Trường TH&THCS Hoàng Tân, chia sẻ: Sau khi được nghe tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, em sẽ hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa, ống hút và các đồ nhựa dùng một lần khác tại nhà trường và gia đình.
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, em Vũ Lê My Du, lớp 9A, Trường TH&THCS Hoàng Tân, cho biết: Em sẽ thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, sẽ tuyên truyền việc làm này tới các thành viên trong gia đình và người dân xung quanh để chung tay xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Nhân dịp này, Quỹ Bảo vệ môi trường và Phát triển đất tỉnh Quảng Ninh trao tặng 5 bộ thùng phân loại rác cho Trường TH&THCS Hoàng Tân.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Xã Hoàng Tân đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó việc thực hiện tiêu chí về môi trường để đạt được tỷ lệ hộ dân phân loại chất thải rắn tại nguồn là rất quan trọng. Thông qua buổi tuyên truyền của Quỹ Bảo vệ môi trường và Phát triển đất tỉnh Quảng Ninh, không chỉ nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường về việc phải hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, mà còn khích lệ cô trò nhà trường thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trường TH&THCS Hoàng Tân là một trong 10 trường thuộc các xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được Quỹ Bảo vệ môi trường và Phát triển đất tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để phối hợp tổ chức chương trình phổ biến tác hại của rác thải nhựa, hướng dẫn phân loại rác năm 2022.
Thu Phương
Liên kết website
Ý kiến ()