Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:34 (GMT +7)
Bài dự thi Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Ninh năm 2021 Để mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển - Bài 1: Kéo gần những khoảng cách
Thứ 5, 07/10/2021 | 08:17:22 [GMT +7] A A
Được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh tự hào có biển, có núi, có đồng bằng, biên giới. Chỉ tính 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cùng nhiều cơ chế, chính sách cho vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là địa bàn các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tạo nên bức tranh phát triển muôn màu ở khắp các vùng miền trong tỉnh.
Biến lợi thế thành động lực phát triển
Địa hình Quảng Ninh trải dài từ Đông Triều tới Móng Cái với đủ cả miền núi, biên giới, hải đảo tạo nên không gian phát triển rộng lớn. Khai thác than và phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; các cửa khẩu với kinh tế biên mậu, khu công nghiệp cảng biển, du lịch, dịch vụ… tạo nên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội đa sắc. Tuy nhiên, cũng từ đây đã tạo nên sự phân hóa vùng miền, đặc biệt là sự chênh lệch về mức thu nhập và điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa người dân vùng thành thị, nông thôn với miền núi, biên giới, hải đảo. Tại thời điểm thống kê năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ở các xã, thôn vùng ĐBKK mới chỉ đạt 11,7 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 7,4 lần so với thu nhập bình quân chung đầu người của cả tỉnh.
Toàn tỉnh có khoảng 160.000 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 12,3% dân số toàn tỉnh nhưng sinh sống và cư trú trên 85% diện tích toàn tỉnh, các khu vực này đều là những địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Do đó, làm sao để tận dụng những lợi thế về vị trí, thiên nhiên, con người, văn hoá, biến lợi thế thành động lực phát triển để rút ngắn khoảng cách chênh lệch về vùng miền, cải thiện điều kiện sống cho người dân khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo để nhân dân toàn tỉnh đều được ấm no, hạnh phúc luôn là trăn trở của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để tận dụng những tiềm năng, lợi thế riêng có thành nguồn lực và động lực cho phát triển là cách làm của Quảng Ninh những năm qua. Theo đó, hàng loạt các quyết sách, chương trình, nghị quyết đầu tư cho khu vực này đã được tỉnh xây dựng, ban hành, tạo được sự chuyển biến căn bản cho người dân vùng khó.
Tiêu biểu như Nghị quyết 01-NQ/TU năm 2010 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới với nguồn lực đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hạ tầng nông thôn, miền núi và hỗ trợ phát triển sản xuất; Nghị quyết 07-NQ/TU năm 2013 về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển KT-XH với nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Nhiệm kỳ gần đây, năm 2017, HĐND tỉnh và UBND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-HĐND, Đề án 196 về bố trí nguồn lực, nhiệm vụ giải pháp đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Những chương trình về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách về an sinh, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo… luôn được ban hành, triển khai kịp thời, giúp người dân vùng khó được tiếp cận, hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển.
Những “đòn bẩy” này đã và đang đưa cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng DTTS, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh ngày càng đi lên, tạo ra những đổi thay tích cực trong phát triển KT-XH tại các địa bàn vùng khó.
Xoá “không”, thêm “có”
“Nhanh lắm, bây giờ chỉ mất chưa đầy một giờ đồng hồ là chúng tôi đã có mặt ở trung tâm TP Hạ Long để tắm biển, vui chơi hay một vài chục phút là sang Ba Chẽ để mua bán hàng hóa. Trong thôn đã có 7-8 gia đình sắm được ô tô tải để chở keo, quế, tăng thu nhập; trẻ con được học tập trong trường mới, khang trang, đi học thuận tiện hơn. Tất cả là nhờ sự đầu tư của tỉnh” - Anh Bàn Văn Vi, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, chia sẻ khi chỉ sau hơn 1 năm chúng tôi quay trở lại nơi này.
Khe Phương từng là thôn “4 không”: Không đường bê tông, không nước sinh hoạt hợp vệ sinh, không sóng điện thoại, không sóng truyền hình, nay đã thành thôn “4 có”. Thôn đã khoác lên mình nhịp sống mới, sôi động, trù phú hơn. Người dân Khe Phương cũng đã bắt nhịp ngay với những cái hay, cái mới khi những tiện ích sinh hoạt được lấp đầy.
Không chỉ riêng Kỳ Thượng, nhiều vùng thôn, bản vốn là “thâm sơn cùng cốc”, vùng ĐBKK của tỉnh cũng ngày càng thay da đổi thịt, khoác lên mình màu áo rực rỡ khi hàng loạt các hạ tầng thiết yếu được tỉnh quan tâm đầu tư. Nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng thông tin, viễn thông đã từng bước xóa dần khoảng cách về địa lý cũng như tiếp cận dịch vụ xã hội.
Chị Tằng Thị Múi, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, phấn khởi chia sẻ: "Mạng 3G, 4G lúc nào cũng có, người Dao chúng tôi ai cũng có điện thoại thông minh để “lướt” mạng, xem tin tức thời sự để biết tình hình trong nước, học những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, rồi bán hàng online kiếm thêm thu nhập". Còn bà Đặng Thị Hoa, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, thì sáng tác bài hát bằng tiếng Dao để gửi gắm niềm vui của mình. Lời bài hát có đoạn: Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc đã không còn vất vả, người dân ấm no hơn/ Nhà nước làm đường, xây cầu cho người dân đi lại thuận tiện, được đi xuống miền xuôi thăm thú, ngắm cảnh đẹp…
Các xã đảo của Quảng Ninh như Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Cái Chiên, Minh Châu, Bản Sen, Quan Lạn… hay mới đây nhất là đảo Trần (Cô Tô) đều đã có điện lưới, KT-XH phát triển, trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách. Quan trọng hơn, đời sống kinh tế, thu nhập của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân khu vực miền núi, vùng DTTS trong tỉnh đạt gần 33 triệu đồng/người/năm với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,36%.
Chưa bao giờ Quảng Ninh hài lòng với những gì mình đang có. Tỉnh xác định tăng trưởng kinh tế nhanh đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Với quan điểm “mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2021-2025, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Nhiệm kỳ này, Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội, đầu tư cho các địa bàn vùng miền núi, biên giới, hải đảo trên tinh thần tất cả để cho dân thực sự ấm no, hạnh phúc, rút ngắn sự chênh lệch giữa các vùng miền… Đây cũng chính là cánh cửa đầu tiên để mở những cánh cửa tiếp theo với khát vọng xây dựng Quảng Ninh phồn vinh, hưng thịnh.
Bài 2: Động lực để vùng khó phát triển bền vững
Hoàng Quý - Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()