Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:43 (GMT +7)
Để máu hiếm không còn hiếm
Chủ nhật, 05/06/2022 | 08:57:08 [GMT +7] A A
Với tâm niệm “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”, thành viên CLB Người có nhóm máu hiếm Rh(-) Quảng Ninh hiểu rằng, nếu gặp rủi ro mà không có người cho máu thì cơ hội giành lại sự sống rất mong manh. Bởi vậy, bất kể ngày hay đêm, thậm chí phải vượt quãng đường hàng trăm cây số, họ vẫn luôn sẵn sàng có mặt, kịp thời chia sẻ giọt máu hiếm với hy vọng giúp đỡ người gặp nạn.
Mệnh lệnh từ trái tim
Có cơ hội gặp và trò chuyện với một vài thành viên CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh, tôi có chung cảm nhận về tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia vô điều kiện mà họ mang đến cho những người có cùng máu hiếm không may gặp nạn trong cuộc sống. Bởi vậy, trong mỗi câu chuyện, kỷ niệm được kể lại bởi các thành viên trong CLB luôn lấp lánh niềm vui, hạnh phúc và niềm tin vào tình người ấm áp, sự sẻ chia luôn sẵn sàng trên hành trình hiến máu cứu người.
Nhớ lại những giây phút cận kề với tử thần vào năm 2018 khi sinh em bé thứ hai, chị Đinh Thị Ngân (SN 1980, trú tại TP Cẩm Phả), Chủ nhiệm CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh, vẫn chưa hết xúc động.
Chị Ngân kể: Ngày sinh con, tôi gặp một số sự cố và với người thuộc nhóm máu hiếm thì những sự cố ấy càng trở nên nghiêm trọng. Tôi bị mất máu nhiều và bệnh viện không có đủ nguồn máu hiếm dự trữ. Rất may trước đó, tôi đã biết đến hoạt động CLB Máu hiếm miền Bắc. Ngay lập tức, tôi gửi bác sĩ bệnh viện số điện thoại liên lạc với thành viên trong CLB và đã được mọi người hỗ trợ kịp thời với 8 đơn vị máu. Quả thật khi bước qua ranh giới của sinh tử, tôi mới càng thấm thía, biết ơn vô cùng những người dù xa lạ, chưa kịp biết mặt, biết tên nhưng lại sẵn sàng cứu giúp mình qua cơn hoạn nạn. Đó là kỷ niệm tôi luôn luôn ghi nhớ để nhắc nhở mình biết cho đi nhiều hơn trong cuộc sống.
Cũng giống như chị Ngân, anh Bùi Văn Thành (trú tại TP Hải Phòng) làm lái xe chuyến Hải Phòng - Móng Cái hơn 10 năm nay, đã từng gặp tai nạn rất nguy kịch phải chuyển viện cấp cứu từ Quảng Ninh lên Hà Nội trong tình trạng thiếu máu khẩn cấp.
Trong nỗ lực cứu tính mạng của anh, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã liên hệ được với anh Trần Nam Hòa (khi ấy là trưởng nhóm máu B (Rh-) Quảng Ninh để kêu gọi sự hỗ trợ. Anh Hòa một mặt vừa nhờ sự giúp đỡ của CLB Máu hiếm miền Bắc trên Hà Nội, một mặt vừa liên lạc với anh em trong nhóm tại Quảng Ninh. Ngay lập tức đã có 6 thành viên từ Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Móng Cái tập trung lên Hà Nội để hiến máu giúp anh Thành.
Chính biến cố ấy đã đưa anh Thành biết đến và trở thành một thành viên tích cực của Nhóm những người có máu hiếm B (Rh-), sau là CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh. Anh Thành tâm sự: “Anh em ruột thịt có thể cho máu nhưng với những người máu hiếm, chỉ họ mới có thể cho nhau như những người anh em về mặt sinh học. Vì vậy, việc đoàn kết và giữ liên lạc là cách để giúp bản thân mình và những người thuộc nhóm máu hiếm có thêm một cơ hội được cứu sống khi gặp chuyện chẳng lành, bởi với nhóm máu hiếm, một khi cần là rất cần”.
Nhóm những người có máu hiếm B (Rh-) Quảng Ninh với 20 người do anh Trần Nam Hòa (SN 1980, trú tại TP Cẩm Phả) thành lập năm 2017, là tiền thân của CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Gần 10 năm qua, năm nào anh Hòa cũng đi hiến máu 1-2 lần bất kể giờ giấc, không phân biệt người cần máu là ai, điện thoại luôn bật 24/24h, cứ có “mệnh lệnh” là anh sẵn sàng lên đường. Với anh Hòa đó là “mệnh lệnh” từ trái tim, xuất phát từ tình yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm với cộng đồng.
Anh Trần Nam Hòa bồi hồi: Năm 2014, trong một lần đi khám bệnh, tôi mới biết mình mang nhóm máu hiếm và bắt đầu tìm hiểu tài liệu về máu hiếm. Từ đây, tôi liên hệ với các bệnh viện để xin thông tin của những bệnh nhân có máu hiếm để liên lạc, tập hợp mọi người tham gia, thành lập Nhóm máu hiếm B (Rh-) Quảng Ninh.
Nhóm đã lập trang facebook, zalo giúp các thành viên nhanh chóng kết nối, liên hệ với nhau thường xuyên để cứu người trong trường hợp khẩn cấp. Mỗi người một vị trí, công việc khác nhau song đến với nhóm trước đây hay CLB bây giờ, ai cũng đều có chung một nguyện ước san sẻ nguồn máu cho nhau mỗi khi có chuyện chẳng lành và để nguồn máu hiếm điều trị cho bệnh nhân sẽ không còn hiếm.
Người cho - người nhận, chẳng mấy dịp được gặp nhau nhưng tất cả họ đều hiểu rằng, cách cảm ơn nhau chân thành nhất chính là cùng nhau tiếp tục sẻ chia những giọt máu của mình cho những người đang trong cơn hoạn nạn.
Mái nhà thứ hai của những người máu hiếm
Theo thống kê ở Việt Nam, nhóm máu Rh(+) chiếm tỷ lệ khoảng 99,96% trong khi nhóm máu Rh(-) gồm A (Rh-), B (Rh-), AB (Rh-), O (Rh-) chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 0,04% dân số, tức trung bình cứ 10.000 người mới có khoảng 4 người mang nhóm máu Rh(-).
Đối với những người thuộc nhóm máu hiếm Rh(-) có thể hiến máu cho những người ở nhóm máu thông thường thuộc hệ ABO hoặc nhóm máu hệ Rh(+) nhưng ngược lại, người có nhóm máu Rh(-) lại không thể tiếp nhận máu từ những người có nhóm máu khác hoặc có nhóm máu Rh(+). Vì nếu người bệnh có nhóm máu Rh(-) nhận máu từ người có nhóm máu Rh(+) sẽ có nguy cơ bị tan máu và có thể tử vong.
Đặc biệt, nhóm máu hiếm Rh(-) là một loại chế phẩm máu đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng đối với các biểu hiện chảy máu nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ ngắn ngày. Do đó, thời gian qua, khi những người có nhóm máu hiếm cần phải truyền máu thường gặp nhiều khó khăn.
Với mong muốn gắn kết dòng máu hiếm để trợ giúp nhau và giúp chính mình, đầu tháng 5 vừa qua, CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh đã được thành lập, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh hiện gồm 35 thành viên và Ban Chủ nhiệm CLB chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động của CLB. Hầu hết các địa phương của tỉnh đều có thành viên tham gia CLB, song tập trung nhiều ở TP Hạ Long và Cẩm Phả.
Đồng chí Vũ Hồng Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chia sẻ: Việc thành lập CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần giúp các bệnh viện chủ động được các nguồn máu hiếm, phục vụ việc khám, chữa bệnh cứu người. Tham gia CLB, các thành viên sẽ được cung cấp những thông tin về nhóm máu Rh(-), được tư vấn sức khỏe và có cơ hội giúp đỡ nhau trong những trường hợp cần thiết. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp cộng đồng có thêm kiến thức, hiểu biết về máu hiếm để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình cũng như không ngừng lan tỏa nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người.
Bác sĩ Trần Thị Hoa Hiên, Trưởng Khoa Huyết học, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Bệnh viện Bãi Cháy là bệnh viện đa khoa hạng I tuyến cuối của tỉnh Quảng Ninh, có điểm hiến máu chữ thập đỏ cố định. Năm 2021, bệnh viện đã vận động, tuyên truyền hiến máu, huy động được gần 3.000 đơn vị máu hiến tặng phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Trong đó, nhóm máu Rh(-) huy động được 0,1% trên tổng số máu hiến.
Vì vậy, Bệnh viện Bãi Cháy mong muốn đồng hành với CLB tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, phát hiện, kết nối các cá nhân có nhóm máu hiếm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai, vận động các chương trình hiến máu tình nguyện để giúp những người bệnh có nhóm máu hiếm được cứu sống kịp thời, hạn chế rủi ro, tử vong ở cộng đồng người có nhóm máu hiếm.
“Sự đồng hành của các cá nhân, đơn vị, bệnh viện trong tỉnh là động lực rất lớn để CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh hoạt động hiệu quả, bền vững. Trong thời gian tới, CLB sẽ hoàn thiện quy chế, quy trình, các hệ thống quy chuẩn trong hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về CLB với mục tiêu vận động, thu hút kết nạp thêm thành viên để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động” - chị Đinh Thị Ngân, Chủ nhiệm CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ thêm.
Chia tay các thành viên của CLB, tôi càng thấm thía hơn về suy nghĩ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Hy vọng, CLB Người có nhóm máu hiếm tỉnh Quảng Ninh ngày càng lớn mạnh, luôn gắn kết với nhau bền chặt, trở thành mái nhà thứ hai của những người mang máu hiếm để cùng sẻ chia những giọt máu nghĩa tình, góp sức thắp lên sự sống mới và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp của cuộc sống.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()