Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 17:37 (GMT +7)
Để giữ vững thành quả kiểm soát dịch bệnh, phát triển đàn gia súc, gia cầm
Thứ 3, 08/11/2022 | 06:52:02 [GMT +7] A A
Trong những tháng cuối năm 2022 kéo dài đến khoảng tháng 2/2023 (mùa thu đông) là thời điểm có thể bùng phát nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chính bởi vậy, công tác kiểm soát dịch bệnh cần được chú trọng hơn.
Nguy cơ bùng phát dịch cao
Ổ dịch cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn vịt 3.500 con tại một nông hộ ở xã Tiền Phong, TX Quảng Yên cuối tháng 10 vừa qua cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm type A/H5 trên toàn tỉnh. Điều đáng chú ý là đàn vịt 3.500 con chưa được tiêm phòng do chưa đủ tuổi tiêm phòng. Qua theo dõi, thời điểm cuối năm chính là lúc dễ phát dịch cúm trên đàn gia cầm nhất trong năm.
Trong khi đó, đây là loại bệnh có thể lây sang người và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Theo đánh giá của đơn vị chuyên môn, quy luật là thường nuôi 3 vụ sẽ phát dịch 1 vụ, mà bị dịch 1 vụ là có thể mất vốn đến 5 vụ. Như vậy, dịch bệnh nếu không được kiểm soát sẽ gây thiệt hại rất lớn đến người chăn nuôi.
Hiện nay, công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm đang được UBND tỉnh đốc thúc, đây cũng là đợt tiêm phòng cuối trong năm, có hiệu quả bảo hộ vắc xin trên tổng đàn trong giai đoạn thu đông. Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở NN&PTNT, tiến độ tiêm phòng vắc xin trên vật nuôi đang chậm. Tính đến đầu tháng 11, hiện chỉ duy nhất tiêm phòng bệnh dại trên chó và viêm da nổi cục trên gia súc lớn là đã hoàn thành (đây là 2 loại dịch yêu cầu tiêm 1 lần trong năm).
Các loại vắc xin phòng bệnh phải tiêm tối thiểu 2 lần/năm hiện đều chậm, tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt trên 70%, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng yêu cầu là trên 80%. Riêng TP Cẩm Phả và TX Đông Triều, tính đến ngày 6/11 vừa qua vẫn chưa hoàn thành khâu đấu thầu vắc xin, chưa tạo nguồn để có thể phân phối, cung ứng vắc xin theo yêu cầu. Trong khi đó vắc xin chỉ có thể phát huy hiệu quả bảo hộ sau tiêm 14-21 ngày, tuỳ loại.
Trong 2 tháng 11 và 12 có thể nói là thời điểm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tổng đàn vật nuôi cao nhất, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, sau đó là dịch tả lợn châu Phi. Nguyên nhân do những tác động bất lợi từ thời tiết dẫn đến kích thích mầm bệnh, trong khi đó lại làm vật nuôi giảm sức đề kháng. Cùng với đó, nhu cầu chăn nuôi, tiêu dùng sản phẩm động vật nuôi tăng, phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm, khiến cho công tác vào đàn, vận chuyển, giết mổ tăng cao, trong khí đó khâu kiểm dịch từ giống cho đến kiểm soát ATTP vẫn còn thiếu và yếu.
Điều này cho thấy nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm này và đầu năm sau rất cao, cần phải có sự vào cuộc một cách tích cực, thực chất từ phía đơn vị chức năng, địa phương và chủ hộ chăn nuôi.
Xu hướng xã hội hoá công tác tiêm phòng trên vật nuôi
Do nhiều nguyên nhân, nên đến thời điểm hiện tại TX đông Triều là một trong 2 địa phương hiện chưa thực hiện đấu thầu, tạo nguồn vắc xin để cung ứng, phân phối cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Toàn thị xã đang có tổng đàn gia cầm 900.000 con và đàn lợn là 45.000 con, khá lớn so với nhiều địa phương khác. Trước tình hình này, phòng chuyên môn của thị xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ thú y xã, phường đã vận động các hộ chăn nuôi chủ động trong việc tiêm phòng.
Hộ chăn nuôi ông Lãnh Văn Chưng (thôn Trại Thông, xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều) có gần 14.000 con gà đang vào giai đoạn nuôi vỗ, chuẩn bị phục vụ dịp Tết dương lịch và âm lịch tới đây. Tổng đàn gà này đều đã được tiêm phòng đầy đủ theo đúng lứa tuổi, giai đoạn phát triển. Cùng với đó, ông Chưng cũng kết hợp chăn thả an toàn, trên cơ sở phun khử phòng dịch môi trường nuôi theo định kỳ.
Ông Chưng cho biết: Do nuôi với số lượng lớn, bản thân gia đình luôn sớm chủ động về nguồn vắc xin, hoá chất phòng dịch. Đây là yêu cầu sống còn, bởi chỉ một con phát bệnh là có thể lây lan ra cả đàn, thiệt hại về kinh tế rất nặng nề, mầm mống bệnh dịch có thể còn tồn dư, rất khó xử lý để có thể nuôi an toàn ở những vụ sau.
Cũng theo ông Chưng, hiện nay việc mua vắc xin chính hãng tương đối thuận lợi, do cơ chế liên kết giữa các đơn vị cung ứng đầu vào (giống, thức ăn và thuốc thú y) với người nuôi và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Chính bởi vậy, người dân có thể đặt mua vắc xin độc lập nếu số lượng nuôi lớn, hoặc liên kết để mua nếu số lượng đàn vật nuôi nhỏ. Bên cạnh đó, kỹ năng bảo quản vắc xin, thực hiện tiêm phòng trên vật nuôi của người dân đa phần đều được tập huấn và thực hành thành thục, đảm bảo quy trình và hiệu quả trong quá trình tiêm.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, xu hướng xã hội hoá vắc xin hiện nay cần tính đến và có thể làm được từng phần, trước hết là trên các hộ nuôi chuyên nghiệp, số lượng tổng đàn vật nuôi lớn. Về lâu về dài, cũng nên tiến tới việc xã hội hoá vắc xin toàn phần.
Trong những năm gần đây, bằng nhiều biện pháp, tỉnh và ngành chăn nuôi đang cố gắng giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nằm trong khu dân cư, để hình thành nền chăn nuôi tập trung. Trong khi đó theo quy định các mô hình chăn nuôi lớn đều chủ động nguồn vật tư phục vụ sản xuất, bao gồm cả nguồn vắc xin.
Theo số liệu thống kê, trong 2 năm qua, từ việc thắt chặt quản lý các vùng chăn nuôi theo quy hoạch, cũng như tác động từ các đợt dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trên toàn tỉnh đã giảm sâu tới hàng chục ngàn hộ. Trong đó, đàn gà giảm từ 40.000 hộ nuôi xuống còn 33.000 hộ, đàn lợn giảm từ 29.000 hộ nuôi xuống còn 16.000 hộ. Ông Trần Xuân Đông khẳng định: Đây là điều kiện để có thể xã hội hoá vắc xin phòng dịch bệnh trong chăn nuôi như một số địa phương trong toàn quốc đã thực hiện gần đây.
Tuy nhiên, để xã hội hoá vắc xin phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cần thiết phải tăng cường công tác giám sát, từ giám sát lâm sàng, đến giám sát bằng biện pháp lấy mẫu. Muốn vậy, cần có cơ chế và sự quan tâm đầu tư tương xứng cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở. Cùng với đó, các hiệu quả kiểm dịch từ khâu giống đến vận chuyển, mua bán, giết mổ, thương mại sản phẩm động vật nuôi cũng phải được tăng cường hơn.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()