Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:28 (GMT +7)
Để không hình thành “điểm nóng” trong CNLĐ
Chủ nhật, 01/10/2023 | 16:06:10 [GMT +7] A A
Đối với một địa phương đang trên đà phát triển mạnh như Quảng Ninh, số lượng doanh nghiệp ngày một tăng do các giải pháp thu hút đầu tư, điều này đồng nghĩa với việc số CNLĐ trên địa bàn ngày càng đông. Để không hình thành những “điểm nóng” trong CNLĐ, tổ chức công đoàn các cấp của Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hiệu quả.
Theo bà Phạm Thúy Hà, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), giải pháp quan trọng để không hình thành “điểm nóng” trong CNLĐ là phải xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Quyền lợi chính đáng của người lao động phải được đảm bảo. Theo đó, việc giao kết hợp đồng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ bản đúng theo quy định. Các cấp công đoàn đã quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết, thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể, nội quy của doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp mới thành lập đều được hướng dẫn thành lập công đoàn cơ sở. Trên cơ sở đó, công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp hướng dẫn xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với luật. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; hướng dẫn, tập huấn, tư vấn cho người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn các doanh nghiệp về sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể... Đáng chú ý, các cấp công đoàn đã chú trọng việc thương lượng đưa nội dung đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho người lao động vào thỏa ước lao động. Có 168/588 bản thỏa ước được bổ sung, sửa đổi có nội dung đảm bảo chất lượng bữa ăn ca của CNLĐ.
Công tác phối hợp xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để không hình thành “điểm nóng” trong CNLĐ. UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp chỉ đạo các cấp chính quyền, công đoàn tập trung hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc.
Hằng năm, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động đều đạt trên 75%; tỷ lệ cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị CBCCVC-NLĐ đạt 99,4%. 5 năm qua, có 70% doanh nghiệp nhà nước và 65% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại cơ sở. Thông qua đó góp phần hạn chế tối đa tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, các “điểm nóng” và tranh chấp lao động phức tạp.
Các cấp công đoàn đã đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động; tổ chức lấy ý kiến của đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia góp ý dự thảo các luật liên quan đến công đoàn và người lao động. LĐLĐ tỉnh đã chủ trì tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển quan hệ lao động tỉnh Quảng Ninh”, giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.
Kế hoạch triển khai thực hiện đề án trong từng năm được hoàn thành với nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo, đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong mỗi đơn vị, doanh nghiệp; giúp cho tổ chức công đoàn có thêm điều kiện để thực hiện tốt hơn quyền, trách nhiệm theo quy định. Công tác tư vấn pháp luật lưu động, kết hợp với đối thoại, tuyên truyền chính sách, pháp luật cho CNLĐ ngay tại cơ sở, tại nơi làm việc được tập trung triển khai, trở thành giải pháp hữu hiệu, phù hợp, hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật của các cấp công đoàn; giải đáp kịp thời những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn, bất cập nảy sinh từ cơ sở trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã chủ động triển khai, phối hợp giám sát chuyên đề, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, đời sống, tâm tư nguyện vọng của CNLĐ. Từ đó, kịp thời đề xuất với chính quyền, người sử dụng lao động những biện pháp tháo gỡ khó khăn, chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, tạo việc làm, tăng thu nhập và tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định.
Với nhiều giải pháp tích cực, dù là tỉnh đang phát triển, song trong 5 năm qua trên địa bàn Quảng Ninh chỉ xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể và đã được các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo, kịp thời trong thời gian ngắn. Tỷ lệ các vụ ngừng việc tập thể thấp so với nhiều địa phương trong cả nước. Môi trường làm việc của CNLĐ được đảm bảo, người lao động yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp; sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()