Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:27 (GMT +7)
Để không còn nỗi lo đuối nước
Thứ 2, 03/06/2024 | 13:42:34 [GMT +7] A A
Nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh kiến nghị các ngành chức năng cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ, nhất là trong dịp nghỉ hè.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ đuối nước, làm tử vong 4 trẻ em, giảm đáng kể so với năm trước. Quảng Ninh là tỉnh có địa hình nhiều sông, suối, hồ, biển... rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhất là khi học sinh đã bước vào kỳ nghỉ hè. Do vậy, vấn đề dạy kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em tiếp tục được nhiều cử tri trong tỉnh quan tâm.
Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 7/7/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 29/5/2023 của BTV Tỉnh ủy "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè trên địa bàn tỉnh", đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 60% trẻ em từ 6-16 tuổi biết bơi an toàn; giảm tỷ lệ đuối nước hằng năm 10%; mỗi xã, phường có ít nhất một bể bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, qua rà soát của đại biểu HĐND tỉnh, còn tình trạng thiếu bể bơi tiêu chuẩn cho trẻ em, thiếu giáo viên dạy bơi ở các trường, nhất là các trường vùng cao. Đó là trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn diễn ra.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, năm 2023, toàn tỉnh có 175 bể bơi, năm 2024 tăng thêm có 3 bể. Trong đó, có 105 bể do tư nhân đầu tư, nhưng không đưa vào dạy bơi cho thanh thiếu nhi mà phục vụ mục đích kinh doanh; 73 bể do Nhà nước quản lý hầu hết trong trường học. Để đạt được mục tiêu mỗi xã, phường có ít nhất một bể bơi cho trẻ em rất khó khăn, do chi phí đầu tư lớn, khoảng 150-200 triệu đồng/bể bơi, không thu hút được xã hội hóa.
Công tác duy tu, bảo dưỡng các bể bơi hiện có cũng còn hạn chế, khai thác chưa hiệu quả, dẫn đến mục tiêu dạy bơi cho trẻ em chưa đạt yêu cầu. Về giải pháp, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp tăng nguồn lực hằng năm cho công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, nhất là đầu tư bể bơi cho trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước trong học sinh, thời gian qua ngành Giáo dục tỉnh đã ban hành 15 văn bản liên quan đến nội dung này. Đồng thời phối hợp với Sở VHTT, Sở LĐ-TB&XH tổ chức 16 lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước. Tuy nhiên, việc bố trí nhân lực dạy bơi cho trẻ em ở các trường còn hạn chế do thiếu con người, thiếu thiết chế. Ngành Giáo dục tỉnh hiện có gần 500 giáo viên thể chất, nhưng số có chứng chỉ dạy bơi còn ít. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh có 69 bể bơi, nhưng chỉ có 7 bể bơi cố định, còn lại là các bể bơi di động được các trường tổ chức dịp hè. Trong chương trình giáo dục phổ thông không quy định bơi là môn học bắt buộc, nên khó bố trí giáo viên.
Để đến năm 2025, toàn tỉnh có 60% trẻ em từ 6-16 tuổi biết bơi an toàn, ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung chỉ tiêu hợp đồng giáo dục cho ngành để có cơ sở tuyển giáo viên thể chất dạy bơi ở các trường; tăng cường tập huấn cho giáo viên thể chất hiện có về kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Sở VHTT sẽ tổ chức các chương trình nhằm nêu cao tinh thần học bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho toàn dân, nhất là trẻ em; phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành đảm bảo các điều kiện an toàn, cứu hộ, cứu nạn tại các bể bơi, bãi tắm đã được cấp phép. Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn, hội, đội tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ em; tổ chức các hoạt động tình nguyện dạy bơi, dạy kỹ năng cho trẻ em trong dịp hè.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()