Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:35 (GMT +7)
Phòng, chống ma túy: Cuộc chiến không của riêng ai
Thứ 2, 30/05/2022 | 12:21:26 [GMT +7] A A
Phòng, chống ma túy vốn là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng lâu nay nhiều cơ quan, tổ chức vẫn đương nhiên coi đó là nhiệm vụ của riêng ngành Công an, nên còn có thái độ thờ ơ, dẫn đến thiếu hiệu quả trong công tác này. Khi tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay, chỉ khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ "giảm nguồn cung, chặt đứt nguồn cầu" như phương châm lực lượng Công an luôn hướng tới.
Cuộc chiến còn nhiều cam go
Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm, trong những năm qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các điểm, tụ điểm, ổ nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên huyện, liên tỉnh, xuyên quốc gia đạt kết quả cao, làm giảm đáng kể nguồn cung ma túy vào địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại tá Vũ Đức Tính, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), từ năm 2021 đến nay, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến Quảng Ninh. Ma túy được chia nhỏ, len lỏi vào các gói hàng ship qua dịch vụ chuyển phát nhanh; được chiết xuất và rao bán trên mạng với nhiều dạng thức khác nhau. Việc liên lạc, giao dịch mua bán được thực hiện qua chuyển khoản. Chính vì thế, việc bắt giữ, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng đa dạng về giới tính, độ tuổi, đặc biệt là có dấu hiệu gia tăng trong lứa tuổi vị thành niên. Hoạt động chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn diễn ra tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm, các chung cư, nhà cho thuê...
Theo số liệu thống kê, đến 30/12/2021 trên địa bàn Quảng Ninh có khoảng 2.800 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó chỉ có trên 400 người trong cơ sở giam, giữ, trên 600 người trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Số còn lại là người nghiện ngoài xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế con số còn cao hơn nhiều. Đây chính là “nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn, đồng thời làm gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, nguy cơ mất ANTT ở địa phương.
Đáng báo động, tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 70-80% trong số người nghiện, tập trung ở các thành phố, thị xã
Khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Sau khi Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn quy định chi tiết thực hiện luật có hiệu lực thi hành, đã cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy và người sau cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, công tác triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống ma túy ở cấp cơ sở còn chậm, chưa đi vào đời sống.
Mặc dù tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng từ năm 2021 đến nay, Công an toàn tỉnh mới chỉ lập được gần 400 hồ sơ, đưa trên 200 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc và vận động trên 600 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh có thời điểm phải hạn chế tiếp nhận đối tượng cai nghiện mới.
Tuy nhiên, về lâu dài, điều này xuất phát từ sự chậm trễ trong công tác xác định người nghiện. Giai đoạn 2018-2020, ngành y tế chỉ cấp 172 giấy chứng nhận xác định tình trạng nghiện. Năm 2021, việc này được dừng hoàn toàn. Theo lý giải của ngành y tế, nguyên nhân của việc chậm trễ là bởi đến 31/3/2022, Bộ Y tế mới tổ chức tập huấn cho các sở y tế về tổ chức bộ máy, nhân lực tham gia công tác cai nghiện. Chính vì thế, đã ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức tập huấn từ Sở Y tế đến các đơn vị trực thuộc.
Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về định mức, nguồn kinh phí nuôi dưỡng đối tượng trong thời gian ở tại cơ sở để chẩn đoán tình trạng nghiện; chưa có quy định hướng dẫn các đối tượng đến xác định tình trạng nghiện, nhưng có rối loạn tâm thần và các bệnh lý kèm theo thì điều trị như thế nào, kinh phí do ai chi trả; chưa có hướng dẫn giá dịch vụ y tế trong xác định tình trạng nghiện.
Không những vậy, thủ tục, quy trình lập hồ sơ đưa đối tượng cai nghiện bắt buộc rườm rà cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Trong khi đó, công tác quản lý người cai nghiện và người sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa hiệu quả, còn xuất hiện tình trạng buông lỏng trong quản lý, chỉ mang tính hình thức, tuyên truyền, vận động.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, bởi sự tự ti, mặc cảm của chính họ, bởi sự kỳ thị của người tuyển dụng lao động, của cộng đồng. Trong khi đó, rất khó để tạo ra các chương trình xã hội, do thiếu kinh phí và kinh nghiệm tổ chức. Không có việc làm, không tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân, đối mặt với nhiều cám dỗ, đó là nguyên nhân khiến tình trạng tái nghiện ma túy vẫn tăng cao.
"Trong thực tế, còn có tình trạng một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của công tác đấu tranh, phòng chống ma túy, nhất là công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng, người sau cai nghiện trong việc phòng ngừa, giữ gìn ANTT trên địa bàn. Họ đương nhiên coi đó là nhiệm vụ của công an, nên còn thái độ thờ ơ, kém sát sao. Chính vì thế, chưa thực sự huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống ma túy" - Đại tá Vũ Đức Tính cho biết thêm.
Để hoạt động phòng, chống tội phạm về ma tuý và tệ nạn ma túy có chuyển biến căn bản, đạt hiệu quả tích cực, từ cuối tháng 4/2022, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác này với sự tham dự của các sở, ngành và 13 địa phương. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai mọi chủ trương, chỉ đạo của tỉnh đối với công tác phòng, chống ma tuý; tăng cường tối đa công tác tuyên truyền, giám sát và quản lý người nghiện, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện, nâng cao năng lực xác định tình trạng nghiện.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương tổ chức hội nghị tập huấn về công tác xác định tình trạng nghiện cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, các địa phương, sự tăng cường về nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, tỉnh Quảng Ninh kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp, không để trở thành địa bàn trung chuyển, hay hình thành các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Đồng thời, giảm tỷ lệ phát sinh số người nghiện mới còn 5%; phấn đấu 100% người nghiện được áp dụng biện pháp cai nghiện, 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện được tư vấn đào tạo việc làm, 100% người sử dụng trái phép chất ma túy phải có hồ sơ quản lý theo quy định.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()