Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:12 (GMT +7)
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Thứ 5, 19/12/2024 | 16:16:30 [GMT +7] A A
Cùng với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm nhằm đảm bảo cho người dân từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đến thành thị đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa tình của các cấp, các ngành với người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” và sẽ là động lực để Quảng Ninh tiếp tục vững bước trên chặng đường phát triển.
Chỉ đạo sâu sát các chương trình
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác an sinh xã hội trên địa bàn; thăm hỏi, tặng quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Riêng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh đã tặng 342.531 suất quà, với tổng số tiền 186,16 tỷ đồng cho các đối tượng.
Đồng thời, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT cho người dân, các chính sách an sinh xã hội khác, như: Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND ngày 19/4/2024 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025; Nghị quyết số 68/NQ-CP và Chương trình hành động số 37-Ctr/TU về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới…
Tỉnh còn triển khai nhiều kế hoạch, trong đó có Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 26/1/2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 27/5/2024 về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…
Đặc biệt, trước thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3, UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, các LLVT (70.660 lượt cán bộ, chiến sĩ) và toàn dân tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra; kịp thời gặp gỡ, hỏi thăm, chia sẻ với các gia đình không may bị nạn; khẩn trương thu dọn, khắc phục tạm thời các công trình bị hư hại, cây cối bị gãy, đổ; khắc phục ngay các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giao thông, môi trường, viễn thông.
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND và Nghị quyết số 43/2024/NQ-HĐND ngày 23/9/2024, theo đó hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025; hỗ trợ hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy (tàu cá) của tỉnh bị chìm đắm; hỗ trợ nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh…
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, Ngân hành Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay, cơ cấu, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, chưa thực hiện thu lãi tiền vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão…
Đa dạng giải pháp
Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong đảm bảo an sinh xã hội, Quảng Ninh còn tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh tạo việc làm cho người dân. Theo đó, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Năm 2024, Quảng Ninh có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động là 11.765 doanh nghiệp.
Tỉnh cũng chú trọng nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động thông qua công tác đào tạo nghề; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của Trung ương, của tỉnh. Nhờ đó, năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp mới cho khoảng 40.000 người, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Chính phủ là 1.175 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 51%.
Với việc trình độ nghề của người lao động được nâng cao, số doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn ngày càng nhiều, đã giúp tỉnh tạo việc làm mới cho 31.350 lượt lao động; trong đó số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 950 người.
Quảng Ninh tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ BHYT, BHXH cho người dân. Toàn tỉnh hiện có 301.760 người tham gia BHXH, chiếm 47,55% lực lượng lao động trong độ tuổi; 254.700 người tham gia BHTN; 1.312.619 tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 95,04% tổng dân số trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đầu tư cơ sở trường học, lớp học; đẩy mạnh các dự án y tế đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn.
Nhờ đa dạng các giải pháp trong công tác an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Quảng Ninh ngày càng được nâng cao. Năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 8 hộ nghèo (giảm 238/246 hộ), chiếm tỷ lệ 0,002%; cận nghèo chỉ còn 1.237 hộ (giảm 1.826/3.063 hộ), chiếm tỷ lệ 0,321%. Những kết quả đạt được trong công tác an sinh xã hội sẽ là tiền đề vững chắc góp phần giúp tỉnh thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2025 là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”; phản ánh ý chí, nguyện vọng, khát vọng vượt mọi khó khăn, vươn lên không ngừng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh để cùng cả nước vững vàng bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()