Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:07 (GMT +7)
Để hàng Việt chắc chân ở chuỗi phân phối toàn cầu
Thứ 7, 19/08/2023 | 16:03:19 [GMT +7] A A
Những năm vừa qua, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nếu hàng hóa được xuất khẩu vào thẳng các hệ thống phân phối của các quốc gia thì sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn cho doanh nghiệp.
Hàng Việt ở siêu thị ngoại
Ngày 18/8, người tiêu dùng thăm quan và mua sắm tại siêu thị Tops (nằm trong Trung tâm thương mại Central World (thủ đô Bangkok, Thái Lan), có thể mua trái nhãn nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là loại nhãn theo tiêu chuẩn Global GAP, thu hoạch tại vùng trồng có mã số đạt chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu đi thị trường Thái Lan.
Với giá bán khuyến mãi hấp dẫn 259 baht/500g, giảm giá chỉ còn 169 baht/500g (khoảng 230.000 đồng/kg), dự kiến, có khoảng 2,3 tấn nhãn đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ được tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ Tops của Central Retail Thái Lan trong dịp này.
Trái nhãn là một trong những loại trái cây của Việt Nam được ưa chuộng đặc biệt ở siêu thị Thái Lan. Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, năm ngoái, Central Retail Việt Nam đã thử nghiệm xuất khẩu gần 1 tấn trái nhãn sang Thái Lan và chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Thái Lan rất thích sản phẩm này.
“Nhãn Việt Nam bán tại siêu thị Thái Lan được lấy từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, trái nhãn của Việt Nam đang vào mùa. Chúng tôi tiếp tục quảng bá trái nhãn của Việt Nam tới người tiêu dùng Thái Lan. Dự kiến, sẽ có khoảng 2,3 tấn nhãn đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ được tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ Tops của Central Retail Thái Lan, tăng trưởng 140% so năm ngoái”, ông Paul Le thông tin.
Nhãn, vải, gạo và rất nhiều loại nông sản khác của Việt Nam đã được đưa thẳng vào hệ thống phân phối nước ngoài, hoàn toàn không mất phí trung gian cũng như được bày bán tại siêu thị bằng chính thương hiệu của mình. Đây là thành quả và sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương, các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ, tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp một số bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình kéo dài 7 năm, đến năm 2030. Chương trình này là kết quả của 5 năm phát triển trước đó đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực và có sự hưởng ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, của các hiệp hội ngành hàng.
Đến nay, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã vào được các hệ thống phân phối lớn như Central Retail, AEON, MM Mega Market, Walmart.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao Phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á, Tập đoàn Walmart, Việt Nam sẽ trở thành điểm sản xuất thuê bên ngoài (outsourcing) chính của tập đoàn tại Đông Nam Á, châu Á. Đến năm 2027, dự kiến thị phần thu mua tại Việt Nam sẽ tăng lên không chỉ với các mặt hàng quần áo, giày dép, mà còn nhiều sản phẩm khác, không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mà cả các công ty 100% vốn Việt Nam.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart, với các sản phẩm chủ lực gồm hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn.
Hàng Việt Nam cũng thâm nhập tốt vào hệ thống siêu thị của châu Âu. Bà Emmy Jørgensen, Chủ doanh nghiệp Scanesia AS (một trong những doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm Á châu lớn nhất của Na Uy) cho biết: “Chúng tôi đã mua hàng thực phẩm từ Việt Nam trong 10 năm qua. Nhưng trong 3 năm qua, chúng tôi đã tăng đáng kể các đơn đặt hàng từ Việt Nam vì sản phẩm của Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều qua từng năm, từ việc thiết kế bao bì đến chất lượng sản phẩm”.
Trước đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại và chưa tin tưởng sản phẩm của mình khi quảng bá ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, sau mỗi năm, doanh nghiệp nỗ lực một chút trong việc đi quảng bá, giao thương, xúc tiến tại thị trường nước ngoài.
“Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt đã có bước tiến vượt bậc trong cách xây dựng thương hiệu. Việc đặt tên thương hiệu sản phẩm so thời gian trước đây đã có sự cải tiến rõ nét, hay hơn, dễ nhớ hơn và hợp với thị trường thế giới hơn. Doanh nghiệp Việt cũng đã biết cách kể câu chuyện sản phẩm của mình. Sự thay đổi này là khởi đầu và tôi tin rằng, hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều cách để vươn mình ra thị trường thế giới”, ông Paul Le chia sẻ.
Giải pháp nào cho hàng Việt chắc chân ở hệ thống phân phối?
Với nguồn hàng dồi dào, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao sau từng năm, hiện nay tỷ lệ hàng Việt xuất khẩu trực tiếp vào nước ngoài còn hạn chế. Để hàng Việt hiện diện nhiều hơn trên kệ siêu thị của nước ngoài, vẫn còn nhiều việc để làm.
Ông Paul Le chia sẻ, để doanh nghiệp vươn ra kệ siêu thị Central Retail tại Thái Lan và từ đó vươn ra thế giới thì cần đứng vững tại kệ siêu thị của Central Retail tại thị trường nội địa. Trong đó, cần chú trọng chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu. Riêng về vấn đề bao bì sản phẩm, phải dễ đọc, dễ nhớ, cần chú ý đến màu sắc, câu chuyện của sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu thị trường thế giới. Thí dụ, khi doanh nghiệp bán tại Thái Lan thì cần phải hiểu thị trường Thái Lan. Thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam và người Thái Lan không có quá nhiều khác biệt, tuy nhiên, khẩu vị của người Thái Lan họ ăn cay hơn người Việt Nam.
Để doanh nghiệp vươn ra kệ siêu thị Central Retail tại Thái Lan và từ đó vươn ra thế giới thì cần đứng vững tại kệ siêu thị của Central Retail tại thị trường nội địa.
|
Việc này cũng tương tự như khi doanh nghiệp bán tại thị trường EU hay Nhật Bản.
Mỗi nước có xu hướng, thị hiếu tiêu dùng và tiêu chuẩn khác nhau. Tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để từ đó doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm phù hợp thị trường mà chúng ta muốn hướng đến.
Bà Emmy Jørgensen chia sẻ thêm, điều quan trọng là nhà cung cấp phải tuân thủ và tìm hiểu kỹ các quy tắc của EU trước khi bắt đầu xuất khẩu. Nói cách khác, họ cần tuân thủ các quy định của EU để tránh những hậu quả không cần thiết có thể xảy ra như hàng bị trả lại và phải tái xuất ngược về các nước xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhà cung cấp cần phải có hệ thống kiểm soát chất lượng như HACCP, ISO hoặc BRC.
Điều quan trọng nữa là nhà cung cấp phải bảo đảm thời hạn sản xuất và giao hàng đúng hạn, tránh chậm trễ để bảo đảm an toàn cho hậu cần của nhà nhập khẩu. Đặc biệt, Na Uy nói riêng và thị trường Bắc Âu nói chung có 4 mùa, đôi khi việc tiêu thụ hàng hóa sẽ khác nhau từ mùa này sang mùa khác.
“Hiện nay, chúng tôi đang phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh ở khắp mọi nơi và hy vọng hàng hóa Việt Nam có thể giữ mức giá cạnh tranh và ổn định”, bà Emmy Jørgensen kỳ vọng.
Về phía cơ quan chức năng, ông Tạ Hoàng Linh nêu thực trạng, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tối đa hệ thống phân phối nước ngoài, do có những khó khăn nhất định trong năng lực cung ứng. Do đó, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn cung ứng hiệu quả cho các tập đoàn phân phối bán lẻ lớn thì cần liên kết với nhau. Đây cũng là lời khuyên của các nhà phân phối bán lẻ quốc tế, cần liên kết với nhau để cùng sản xuất ra sản phẩm, tiếp theo là liên kết với nhau để mỗi một doanh nghiệp là một “mắt xích” trong tổng thể chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển đổi để tham gia vào chuỗi cung ứng nước ngoài, chúng tôi cũng nhận thấy, việc các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tài chính là một vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, sẽ có sự tham gia của các tổ chức tài chính, những ngân hàng lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nâng cấp máy móc thiết bị, máy móc, nhà xưởng và đổi mới về khoa học công nghệ. Từ đó doanh nghiệp có thể tham gia một cách tổng thể và hiệu quả vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()