Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:37 (GMT +7)
Để giờ trái đất không còn là hình thức
Thứ 4, 20/03/2024 | 06:04:12 [GMT +7] A A
Năm 2009, Việt Nam chính thức tham gia Chiến dịch “Giờ trái đất”, sáng kiến do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) khởi xướng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung việc hưởng ứng Chiến dịch vẫn chưa thực sự trở thành thói quen. Để việc hưởng ứng thực hiện Giờ Trái đất không còn là hình thức, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, của tất cả mọi người.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, hằng năm, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng.
Đối với Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa của Chiến dịch Giờ Trái đất, vận động cán bộ, công nhân, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện giờ trái đất từ 20h30’ đến 21h30’ thứ 7 ngày 23/3/2024. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng và các phòng ban liên quan phối hợp với Điện lực địa phương xây dựng phương án tiết giảm công suất sử dụng điện, đặc biệt tại các khu vực công cộng, khu vui chơi giải trí, đèn trang trí... đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và hệ thống lưới điện; ưu tiên cấp điện ổn định cho hệ thống chiếu sáng, tín hiệu đèn giao thông đảm bảo an toàn trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch tại địa phương.
Về phía Đoàn thanh niên tại các địa phương, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất nhằm lan tỏa mục đích, ý nghĩa của chiến dịch. Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Khu kinh tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan về vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và ý nghĩa của sự kiện Giờ Trái đất. Đặc biệt là chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong ngành quản lý, các khu công nghiệp, khách sạn, quảng trường, khu vui chơi giải trí… tuyên truyền về ý nghĩa của Giờ Trái đất, thực hiện tắt toàn bộ các thiết bị điện không cần thiết, hệ thống biển hiệu quảng cáo vào thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất.
Qua nhiều năm thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất, về cơ bản, nhận thức cũng như ý thức trong các tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến, nhưng vẫn chưa thật sự lan tỏa thành phong trào sâu, rộng như mong muốn. Thực tế cho thấy, việc tổ chức các chiến dịch quảng bá, tuyên truyền về Giờ Trái đất tại các đơn vị, địa phương vẫn còn nặng tính hình thức, chưa thiết thực đã khiến tác dụng của chiến dịch có phần giảm sút. Đặc biệt, nhiều cơ quan, trụ sở UBND các địa phương, khu vực công cộng… vẫn không thực hiện tắt các thiết bị chiếu sáng trong giờ hưởng ứng Chiến dịch. Về phía Đoàn thanh niên các địa phương cũng gần như không triển khai các hoạt động truyền thông, chưa khẳng định được vai trò xung kích, đi đầu của tuổi trẻ trong thực hiện chiến dịch.
Minh chứng rõ nét được thể hiện qua số liệu thống kê 5 năm qua như sau: Năm 2019, trong 1 giờ hưởng ứng Giờ trái đất, Quảng Ninh tiết kiệm được 68.000kWh; năm 2020, Quảng Ninh tiết kiệm được gần 50.000kWh điện; năm 2021, con số này là 36.300kWh điện; năm 2022 được gần 100.000kWh điện; năm 2023 con số này giảm xuống chỉ còn gần 30.000kWh.
Điều đáng nói là số kwh tiết kiệm nói trên chủ yếu có được là do Công ty Điện lực Quảng Ninh xây dựng phương án tiết giảm công suất cụ thể tại các khu vực đông dân cư, hệ thống chiếu sáng công cộng, khu vui chơi, giải trí, đèn trang trí. Nếu như không xây dựng phương án tiết giảm công suất, con số điện tiết kiệm được sẽ là rất ít, không đáng kể.
Năm 2024, Chiến dịch Giờ trái đất được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương kêu gọi công chúng cùng “Giảm dấu chân carbon - Hướng tới Net Zero”. Việc tham gia “Giảm dấu chân carbon” đồng nghĩa với giảm phát thải, là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây cũng là “vũ khí” giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Bởi vậy, để Giờ Trái đất năm 2024 trở nên gần gũi hơn và thể hiện được hết ý nghĩa, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị cũng như mỗi người dân cần thể hiện sự cam kết của mình bằng hành động đơn giản là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong Giờ Trái đất (từ 20h30' đến 21h30' ngày 23/3). Từ đó lan tỏa thói quen, nâng cao nhận thức sử dụng điện tiết kiệm và mang lại các lợi ích sâu rộng trong cộng đồng.
Hoàng Nga
- Công ty Điện lực Quảng Ninh với các hoạt động tuyên truyền Giờ Trái đất năm 2024
- Từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3 sẽ diễn ra Giờ Trái đất 2024
- Lên phương án chống thiếu điện mùa khô năm nay
- Ngành Điện chuẩn bị cho cao điểm nắng nóng
- Ngày 16-30/3, khu vực Hòn Gai (TP Hạ Long) sẽ tiết giảm công suất điện vào giờ cao điểm sáng và tối để cải tạo, nâng cấp đường dây
Liên kết website
Ý kiến ()