Tất cả chuyên mục

Hàng vạn cuốn tài liệu bỏ túi và tờ gấp pháp luật đã được chuyển đến tay người dân vùng cao, vùng xa qua những “người vận chuyển” là đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh. Dù đường xa, núi cao, nơi bản làng hẻo lánh, hải đảo xa xôi, hành trình này vẫn sẽ tiếp tục với mục tiêu giúp đồng bào DTTS và những đối tượng yếu thế khác tiếp cận gần hơn với pháp luật.
Những dấu chân không mỏi
Theo cung đường ngoằn ngoèo từ trung tâm xã Đồng Văn, chúng tôi đến thôn Sông Moóc - một bản làng nằm lưng chừng núi cao của huyện miền núi biên giới Bình Liêu, nơi hầu hết cư dân sinh sống là đồng bào DTTS. Dù đang ở thời điểm bận rộn cho vụ lúa, nhưng Nhà văn hóa thôn khá náo nhiệt. Rất đông bà con có mặt tại đây từ sớm, vì nghe tin có cán bộ dưới xuôi lên phổ biến, TGPL.
Anh Phùn Tắc Thếnh, dân tộc Dao, chăm chú lắng nghe các báo cáo viên, trợ giúp viên pháp lý nói, không muốn bỏ sót một thông tin nào. Anh bảo: "Dù bận việc mấy tôi cũng gác lại để tới hội nghị này. Có rất nhiều quy định của pháp luật mà người dân chúng tôi chưa nắm rõ. Nhờ có những hội nghị như thế này mà chúng tôi hiểu hơn các quy định của pháp luật, sống và làm việc không vi phạm pháp luật. Chương trình TGPL rất có ý nghĩa với đồng bào DTTS chúng tôi".
Những quy định pháp luật được báo cáo viên lồng ghép, đan cài khéo léo qua các câu chuyện để chuyển đến người dân, qua đó giúp đồng bào nắm được những kiến thức cơ bản về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, Luật Hình sự… Các vướng mắc trong cuộc sống đời thường của bà con liên quan đến pháp luật đều được luật sư và các trợ giúp viên tư vấn nhiệt tình, cởi mở, khiến không khí buổi trợ giúp càng trở nên rôm rả... Chị Khương Thị Sen, trợ giúp viên Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, chia sẻ: "Các điều luật thường rất khô khan. Sẽ rất là khó tiếp cận nếu như chỉ truyền đạt một cách cứng nhắc. Do vậy để bà con hiểu, ghi nhớ, nắm vững kiến thức pháp luật, chúng tôi thường xây dựng các tình huống, vụ việc cụ thể. Thông qua phương thức kể chuyện, bà con sẽ dễ tiếp cận hơn, từ đó có cách thức ứng xử phù hợp theo quy định của pháp luật".
Hội nghị kết thúc sau hơn 2 giờ đồng hồ với nhiều thông tin pháp luật liên quan. Bên cạnh hình thức chuyển tải qua các câu chuyện, bà con đến dự hội nghị được cung cấp những cuốn sổ tay, tờ gấp pháp luật về nhiều nội dung khác nhau. Cầm trên tay cuốn tờ gấp pháp luật liên quan đến những quy định về Luật Dân sự, anh Dường Cắm Làm (thôn Sông Moóc) cho biết: "Vẫn có nhiều điều về pháp luật tôi chưa hiểu rõ. Tôi cầm về để ở nhà, lúc cần thiết thì mở ra xem. Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể gặp mặt được cán bộ pháp luật để hỏi cụ thể, nên những tờ gấp này rất cần thiết".
Với phương châm “Dân không đi thì cán bộ tìm tới”, thời gian qua cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã đến nhiều miền quê, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân. Rời Sông Moóc, chúng tôi cùng đoàn công tác đến Điền Xá, một xã vùng cao của huyện Tiên Yên có trên 95% là hộ DTTS. Hồ hởi tiếp đón đoàn, chị Hoàng Thị Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã, nói: "Bà con đến đông đủ lắm rồi. Ở đây hầu hết là đồng bào DTTS, nhận thức pháp luật còn chưa được cao lắm, nhưng bà con rất cầu thị. Nghe tin có hội nghị TGPL lưu động, bà con đến ngay".
Trong hội trường gần 200 người hôm đó, chị Nông Thị Hoa, dân tộc Tày, thôn Pắc Phai, tranh thủ thời gian nghỉ giải lao xin được gặp luật sư trợ giúp. Sau một cuộc trao đổi cụ thể với luật sư trợ giúp viên, chị Hoa phấn khởi nói: "Tôi có một vụ việc tranh chấp đất rừng với hộ dân khác trong thôn. Tôi rất cần sự tư vấn của luật sư, mà kinh phí thì không có. Khi nghe cán bộ xã nói sẽ có đoàn luật sư và trợ giúp viên pháp lý đến tư vấn miễn phí cho bà con, tôi phấn khởi quá. Nhờ những hướng dẫn tận tình của cán bộ, tôi đã hiểu được cách thức để bảo vệ lợi ích của gia đình mình".
Đi tận nơi, giúp tận đối tượng
Với phương châm "Đi tận nơi, giúp tận đối tượng”, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, đưa dịch vụ pháp lý miễn phí đến các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, năm 2024 Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cùng một số cơ quan có liên quan tổ chức hội nghị TGPL tại 15 xã vùng DTTS, miền núi, hải đảo của Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái. Đồng thời phát hành miễn phí 39.720 tờ gấp, 10.100 quyển sách pháp luật bỏ túi cho người DTTS; lồng ghép các chuyên đề pháp luật, câu chuyện pháp luật phù hợp với nhu cầu của người DTTS tại các hội nghị TGPL ở cơ sở, như: Chuyên đề về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chính sách chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, NTM và phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi... Công tác TGPL thời gian qua cũng góp phần không nhỏ trong giải quyết được nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn ngay tại cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành và xử sự theo pháp luật, xoá bỏ những thói quen, tập quán, phong tục lạc hậu, trái pháp luật của người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Không chỉ dừng lại ở tư vấn pháp luật, Trung tâm còn cử luật sư, trợ giúp viên tham gia tố tụng, đại diện pháp lý miễn phí, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Những vụ việc được hỗ trợ kịp thời không chỉ giúp người dân được bảo vệ trước pháp luật, mà còn góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Anh Trần Quý Cường, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, kể: Năm 2021 tôi có nhận bảo vệ miễn phí cho một đương sự là bà Lý Thị Dung, cư trú ở Tiên Yên, có tranh chấp đất đai với gia đình em trai ruột, đứng trước nguy cơ mất tài sản. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà Dung trước tòa án, trong suốt quá trình tiếp cận hồ sơ, tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với đương sự về các nội dung, tình tiết vụ việc, nắm rõ hiện trạng, quá trình quản lý, sử dụng thửa đất của gia đình bà. Đồng thời chủ động tiếp cận với các cơ quan liên quan để thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ và tư vấn, thống nhất với đương sự phương án giải quyết khi ra tranh tụng tại tòa để bảo vệ được quyền lợi của mình. Sau nhiều tháng, vụ việc đã được TAND huyện Tiên Yên xem xét lại, bà Dung đã giữ được tài sản của mình.
Một vụ việc khác là hỗ trợ một gia đình có 4 người con được làm giấy khai sinh sau nhiều năm. Do chưa hiểu hết pháp luật, vợ chồng đương sự kết hôn mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn, các cháu sinh ra nhưng không thể làm thủ tục đăng ký khai sinh. Các cháu được đi học là nhờ sự bảo lãnh của giáo viên chủ nhiệm. Khi tìm đến Trung tâm, vợ chồng đương sự đã có 4 người con, lớn nhất học lớp 8, nhỏ nhất chuẩn bị vào lớp 1. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian tập hợp thông tin, giấy tờ từ đương sự, làm việc với chính quyền các địa phương liên quan. Cuối cùng, 4 con của gia đình đương sự đã có được giấy khai sinh, cháu nhỏ nhất kịp nhập trường đúng độ tuổi.
Mỗi năm Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tiếp nhận, bảo vệ, bào chữa miễn phí cho hàng chục vụ việc tố tụng có liên quan đến người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hoạt động này đã góp phần giải tỏa những vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân khi có tranh chấp; tích cực đưa pháp luật về cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giúp bà con tự điều chỉnh hành vi của mình; kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giảm tình trạng tranh chấp trong nhân dân, giữ gìn ANTT ở địa phương.
Những cuốn tài liệu bỏ túi, tờ gấp pháp luật vẫn tiếp tục được chuyển đến tận tay người dân; những câu chuyện pháp luật vẫn tiếp tục được đội ngũ trợ giúp viên pháp lý truyền đạt với mục đích nhân văn, từng bước xóa nghèo về pháp luật cho đồng bào DTTS và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ý kiến ()