Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:07 (GMT +7)
Phát huy dân chủ, củng cố sự đồng thuận xã hội Bài 3: Để dân tin
Thứ 6, 04/08/2023 | 15:25:05 [GMT +7] A A
Việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là giải pháp căn cơ để giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, góp phần bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin công khai, minh bạch của mọi tầng lớp nhân dân. Đối với địa phương đang có sự phát triển sôi động như Quảng Ninh, thì việc tổ chức đối thoại đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, cho thấy tinh thần đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.
Kinh nghiệm từ cơ sở
Cuối năm 2022, UBND huyện Cô Tô tổ chức đối thoại, xem xét giải quyết đơn thư kiến nghị kéo dài về đất đai liên quan đến trường hợp của ông Vũ Hữu Tỏe, trú tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến. Ông Tỏe không đồng tình với quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện (Quyết định số 486/QĐ-XPVPHC ngày 30/8/2019) về hành vi phá rừng trái pháp luật. Đồng thời, ông đề nghị được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất gia đình ông đang quản lý, sử dụng. Với tinh thần lắng nghe và giải đáp cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cùng với đại diện các phòng ban chuyên môn, cơ quan chức năng làm rõ từng nội dung cụ thể dựa trên các tài liệu quy định pháp luật, thông tin điều tra xác minh.
Ngay tại buổi đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo chấm dứt hiệu lực thi hành quyết định xử phạt nói trên. Đồng thời, giao các phòng, ban liên quan phối hợp UBND xã Đồng Tiến khẩn trương hướng dẫn công dân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Ông Vũ Hữu Tỏe bày tỏ sự đồng thuận cao với kết quả giải quyết kiến nghị, đặc biệt là ghi nhận cách đối thoại, giải quyết thấu tình đạt lý, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đối với cấp ủy, chính quyền huyện, xã, đây là dịp để rút kinh nghiệm sâu sắc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Thực tế, đối thoại vừa là lắng nghe, nhưng đồng thời là trả lời, giải đáp và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân nhằm tháo gỡ vướng mắc giải quyết ngay từ cơ sở, tạo đồng thuận trong nhân dân. Mục tiêu là tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm tại các địa bàn phức tạp, nhất là những vấn đề mới, khó, phức tạp. Qua đối thoại phải nắm chắc những vấn đề mới phát sinh, chưa phù hợp thực tiễn để chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.
Theo đồng chí Đỗ Viết Mạnh, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Móng Cái, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hoạt động tiếp xúc, đối thoại là phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, sự vào cuộc chủ động, mang tính nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, quy trình đối thoại đều phải đảm bảo theo quy trình; khi đưa ra kết luận phải rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và thời gian giải quyết. Trong bầu không khí thoải mái, dân chủ, cởi mở, không cách biệt, người dân yên tâm bày tỏ hết những tâm tư, nguyện vọng, trăn trở, vướng mắc của mình. Đồng thời, người dân đồng thuận khi những kiến nghị chính đáng của mình được tiếp thu, quan tâm giải quyết thấu đáo.
Một số hoạt động đối thoại theo lĩnh vực ngành dọc cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Trung tuần tháng 4/2023, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại, tư vấn về chính sách Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho đại biểu là người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác lao động, tiền lương, cán bộ công đoàn và người lao động tại KCN Cái Lân. Trong phần đối thoại, các đại biểu đã nêu lên một số vướng mắc liên quan đến thời gian nghỉ hưu, cách tính lương hưu, quy định thời gian tham gia BHXH bắt buộc... để được giải đáp và hướng dẫn cụ thể.
Hay như cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với nông dân, lắng nghe phản ánh hiện thực của khu vực nông thôn và đời sống nông dân, xã viên hợp tác xã trong sản xuất nông, lâm, thủy, hải sản của tỉnh hiện nay. Đây là những thông tin quan trọng để có những điều chỉnh, bổ sung đối với các cơ chế, chính sách không còn phù hợp nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Quảng Ninh, đồng thời để Đại hội Hội Nông dân tỉnh sắp diễn ra đưa vào phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tiếp theo...
Rõ ràng, thông qua hoạt động đối thoại với nhân dân, các cấp ủy, chính quyền đã từng bước thay đổi nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, quản lý. Chất lượng hoạt động đối thoại được nâng lên, không nhầm lẫn với hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử. Nhờ vậy, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên; các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại cũng góp phần quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, để từ đó không phát sinh đơn thư, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo vượt cấp; đồng thời củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Không né tránh, không hình thức
Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, thời gian qua, tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch số 270-KH/TU (ngày 05/4/2019) thực hiện Quy định số 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND (ngày 20/1/2020) về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC)…
Hằng năm, các cấp ủy chú trọng ban hành kế hoạch phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp phụ trách các địa bàn; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương dự, theo dõi tại hội nghị đối thoại ở địa phương. Các cơ quan chuyên môn cũng quan tâm nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp ý kiến của nhân dân, đồng thời phân loại các ý kiến, kiến nghị theo từng lĩnh vực.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh luôn quan tâm duy trì kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân, giải quyết kiến nghị cử tri trên địa bàn; thực hiện nhiều buổi tiếp công dân định kỳ, đối thoại với công dân; trực tiếp lắng nghe, trao đổi, giải đáp trực tiếp kiến nghị của người dân. Hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp chủ trì cùng với lãnh đạo tỉnh Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương tiếp công dân định kỳ. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng thường xuyên chủ trì và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc KNTC phức tạp, đông người gắn với giải quyết kiến nghị của cử tri... Hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, thiết thực và hiệu quả.
Như kiến nghị giải quyết quyền lợi cho các hộ dân là nhà đầu tư thứ cấp thuộc Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư và dịch vụ thương mại tại phường Trưng Vương (TP Uông Bí) do Tập đoàn Xuân Lãm làm chủ đầu tư tại buổi tiếp công dân trong tháng 7/2023. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, trao đổi của các đơn vị, cơ quan chức năng với công dân, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Vụ việc này kéo dài, phức tạp đã được UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện và đã có kết luận cụ thể, công khai tới công dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đây là vụ việc tranh chấp dân sự, không phải tranh chấp giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân, do vậy, công dân nên chọn phương thức giải quyết vụ việc tại tòa án, làm căn cứ thực thi. Tuy nhiên, xét nguyện vọng chính đáng của công dân đề xuất tại buổi tiếp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Bí thư Thành ủy Uông Bí, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP Uông Bí tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư để trao đổi các nội dung có liên quan đến kiến nghị của công dân; chậm nhất ngày 30/7, nhà đầu tư phải gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân có kiến nghị để thống nhất nội dung giải quyết.
Không chỉ tổ chức đối thoại định kỳ với nhân với nhân dân, tỉnh Quảng Ninh còn tổ chức nhiều buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động, nông dân... để kịp thời lắng nghe, nắm bắt, trao đổi về những kiến nghị, đề xuất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; từ đó có những quyết sách, điều chỉnh phù hợp trong tình hình mới.
Giữa tháng 5 vừa qua, tỉnh đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với trên 300 CNVCLĐ. Trên cơ sở đi thẳng vào các vấn đề, tại hội nghị, đã có 16 câu hỏi, ý kiến đặt ra được các đồng chí lãnh đạo tỉnh tập trung làm rõ với nhiều nội dung liên quan đến các chính sách thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển nhà ở cho công nhân lao động; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân lao động... Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan cần nghiêm túc tiếp thu, xem xét, giải quyết thấu đáo; chủ động nắm bắt, tiếp thu, lắng nghe các ý kiến chính đáng; có các kiến nghị xây dựng chính sách phù hợp.
Thực tế đã cho thấy, những diễn đàn dân chủ đang được tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện. Cùng với các hội nghị tiếp xúc, đối thoại còn có các hoạt động tiếp công dân định kỳ và đột xuất; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; các hội nghị giao ban cấp ủy với Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản, khu phố, Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư...
Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; công tác quản lý, điều hành của chính quyền; là tiêu chí đánh giá chất lượng cấp ủy, chính quyền, đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất của nhân dân phải được coi là nội dung có ý nghĩa quyết định thành công của đối thoại. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của nhân dân và có những giải pháp cụ thể để xử lý, giải quyết kịp thời; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Qua đối thoại, nắm chắc những vấn đề mới phát sinh, chưa phù hợp thực tiễn để chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương, cũng như bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả.
Cao Quỳnh - Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()