Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:54 (GMT +7)
Để có vụ mùa bội thu
Thứ 4, 13/07/2022 | 08:40:09 [GMT +7] A A
Ngành nông nghiệp xác định, việc hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, từ đó bù đắp lại những thiếu hụt, thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực trong điều kiện dịch bệnh diễn biến bất thường.
Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng phương án sản xuất theo từng vụ. Qua đó, giao chỉ tiêu cụ thể về diện tích, năng suất, sản lượng của các đối tượng cây trồng chính cho từng đơn vị, địa phương thực hiện. Đồng thời, xây dựng và triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm bảo đảm phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đến hết tháng 6, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân 2021-2022 ước đạt gần 33.800ha, đạt 98% so với kế hoạch vụ, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, diện tích lúa xuân đã gieo cấy trên toàn tỉnh ước đạt gần 15.700ha, năng suất ước đạt 55,18 tạ/ha; sản lượng ước đạt 83.063 tấn. Đặc biệt, Quảng Ninh đã triển khai thí điểm giống lúa chất lượng cao giống Japonica J02 Nhật Bản và ST25 theo hướng VietGAP tại 3 địa phương Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái với diện tích 62ha, năng suất trung bình ước đạt 53,6 tạ/ha (riêng tại Hải Hà đạt 63,4 tạ/ha), tổng sản lượng ước đạt trên 327 tấn.
Theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), giống lúa J02 là giống chịu thâm canh, có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, khả năng chống đổ tốt, cho năng suất cao nếu thâm canh tốt phù hợp với các vùng đất có độ phì khá trở lên. Như ở TP Móng Cái, giống lúa J02 và ST25 được đầu tư cao hơn so với giống lúa Khang Dân 18, vì vậy, năng suất cũng cao hơn và giá sản phẩm cao hơn. Còn tại xã Đường Hoa (huyện Hải Hà), năng suất lúa J02 đạt trung bình 63,4 tạ/ha, lợi nhuận thu được 28,1 triệu đồng, cao hơn so với các giống lúa chất lượng khác trồng tại địa phương.
Ngay sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, bà con nông dân sẽ bước vào sản xuất vụ mùa 2021. Do đó, để tiếp đà tăng trưởng, trước mắt cùng với việc thực hiện phát triển sản xuất theo phương án đã xây dựng, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo bà con nông dân mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm, hạn chế tối đa trà mùa muộn, vừa bảo đảm sản xuất an toàn, đồng thời tạo ra quỹ đất để triển khai sản xuất vụ đông; lựa chọn bộ giống bảo đảm tiêu chuẩn, có thời gian sinh trưởng phù hợp, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt để đưa vào gieo trồng.
Được biết, vụ mùa 2022, toàn tỉnh dự kiến kế hoạch gieo cấy gần 22.200ha lúa, 1.464ha ngô, 996ha khoai lang… Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh, tình hình thời tiết phức tạp, cực đoan tác động tiêu cực đến sản xuất, nhất là tạo điều kiện để sinh vật hại phát triển. Hiện nay, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại là 3.017,2ha, tăng 256,1ha so với cùng kỳ. Một số đối tượng sinh vật hại trên lúa như sâu cuốn lá nhỏ, rầy,… tuy mức gây hại thấp nhưng diện gây hại lại cao hơn cùng kỳ năm 2021, các đối tượng sinh vật hại đang tích lũy mật độ trên đồng ruộng vào cuối vụ.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, để chủ động phòng trừ sinh vật hại trong vụ mùa và vụ đông năm 2022, các đơn vị chuyên môn, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai phương án bảo vệ thực vật, hướng dẫn người sản xuất phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại cây trồng, bảo vệ an toàn cho sản xuất, góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã chủ động triển khai Kế hoạch về kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tỉnh Quảng Ninh, đặt mục tiêu giá trị sản xuất gia tăng tối thiểu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đạt 4,5%. Trong đó, tập trung phát triển diện tích cây hàng năm đạt trên 64.200ha; sản lượng lương thực đạt khoảng 227.300 tấn/năm.
Để đạt mục tiêu đề ra, hiện ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa và định hướng vụ đông năm 2022. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ thực vật, tổ chức trực ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch và kịp thời xử lý các vùng dịch phát sinh; đặc biệt lưu ý các sinh vật gây hại trên lúa và cây trồng khác. Cùng với đó, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất thông qua ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ và thành tựu khoa học công nghệ để khai thác hiệu quả các nguồn lực và tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm trồng trọt chủ lực của tỉnh, cấp mã vùng sản xuất.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()