Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:48 (GMT +7)
Để có những VĐV Pencak Silat tài năng
Thứ 7, 04/01/2025 | 07:56:04 [GMT +7] A A
Sau thời hoàng kim rồi có phần chững lại, Pencak Silat của Quảng Ninh hiện đang có dấu hiệu hồi sinh khá mạnh mẽ.
Pencak Silat là bộ môn võ du nhập từ Indonesia vào Việt Nam từ khoảng năm 1980. Ở Quảng Ninh, Pencak Silat bắt đầu phát triển từ năm 1996 khi những lớp học đầu tiên được Liên đoàn Võ thuật Hà Nội hỗ trợ. Từ đó, Pencak Silat của Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ với nhiều VĐV tài năng từng vô địch châu Á, vô địch thế giới, như Nguyễn Thị Hằng, Lâm Thị Hương, Nguyễn Thái Linh...
Hiện hệ thống đào tạo môn Pencak Silat gồm: Tuyến năng khiếu và tuyến tỉnh. Trong đó, tuyển chọn, đào tạo VĐV đầu vào tuyến năng khiếu giữ vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào thành công chung của Pencak Silat. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường TDTT tỉnh cho biết: Những năm gần đây thể thao Quảng Ninh càng ngày càng được quan tâm, phát triển mạnh mẽ. Các môn trọng điểm, có thành tích tốt cũng vì thế được đầu tư, thúc đẩy hơn từ bước đào tạo cơ bản, tạo nền tảng vững chắc để gặt hái thành công sau này, trong đó có môn Pencak Silat.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, thời gian qua Trường TDTT tỉnh luôn quan tâm đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, nhằm cung cấp nhiều hơn những VĐV tài năng cho tuyến trên. Cụ thể, trường mở rộng diện tìm kiếm qua các giải đấu võ, giải thể thao phong trào và ở các trường học. Việc tìm kiếm này có thể do chính các thầy, cô phụ trách môn và cán bộ thể thao ở cơ sở, thầy cô giáo thể dục ở các trường học trong toàn tỉnh phát hiện, giới thiệu. Hiện người phụ trách đào tạo tuyến năng khiếu của trường là HLV Lâm Thị Hương, nhà vô địch thế giới môn Pencak Silat năm 2004.
Ngoài ra, bộ môn Pencak Silat cũng dần được đúc kết, đặt ra các tiêu chuẩn quan trọng cho việc lựa chọn VĐV năng khiếu. HLV Lâm Thị Hương chia sẻ: Việc tuyển chọn tài năng Pencak Silat chặt chẽ và cũng gặp không ít khó khăn. Chúng tôi tuyển chọn qua các bài test chuyên môn, ưu tiên đầu tiên là những phẩm chất nổi trội về thể lực, thể hình, sự nhanh nhẹn, khéo léo của VĐV.
Theo đó, các VĐV Pencak Silat tương lai được quan tâm tuyển chọn từ độ tuổi 9-13, ưu tiên những VĐV có tố chất về ngoại hình, chiều cao 1,45-1,5m, nhanh nhẹn, thông minh, giàu nghị lực trong tập luyện và thi đấu.
Đối với đào tạo năng khiếu Pencak Silat, việc rèn luyện thể lực và kỹ thuật cơ bản đóng vai trò nền tảng cho sự thành công về sau. Các võ sinh năng khiếu phải trải qua thời gian đầu tập luyện thể lực gắt gao qua các bài tập chạy bền, gánh tạ, nhảy dây, bật nhảy, tập bò, tập đá… để nâng cao thể lực, phát triển cơ tay, chân. Sau đó, VĐV bước vào tập các kỹ thuật cơ bản đấm, đá thẳng, đá cầu vồng...
Đặc thù Pencak Silat là môn thi đấu đối kháng nên việc cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm rất quan trọng trong quá trình tiến bộ của VĐV. Vì thế ngoài Giải Vô địch trẻ quốc gia (chỉ có 1 giải/năm), các HLV của Quảng Ninh cũng tích cực cho VĐV tham gia các giải đấu mở rộng, thi đấu giao hữu, học hỏi với các địa phương có phong trào mạnh như: Hải Dương, Hà Nội, Phú Thọ… thậm chí cho thi đấu chéo với các môn võ khác. Sau cùng, việc kiểm tra sát hạch VĐV đạt tiêu chuẩn, đủ khả năng “lên lớp” ở tuyến tỉnh được căn cứ vào các bài kiểm tra cuối kỳ, đặc biệt là thành tích trong các giải trẻ quốc gia. Sau 2-3 năm đào tạo, nếu không đạt yêu cầu chuyên môn, VĐV sẽ bị thải loại.
Với sự quan tâm đầu tư yếu tố con người, việc đào tạo VĐV Pencak Silat năng khiếu của Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành quả. Năm 2023, tại Giải Vô địch trẻ quốc gia, các VĐV Pencak Silat năng khiếu của Quảng Ninh đã đoạt 6 HCV, 9 HCB, 4 HCĐ, xếp nhất toàn đoàn lứa tuổi năng khiếu (12-14 tuổi). Năm 2004, đoạt 2 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ xếp thứ 3 toàn đoàn trên tổng số 30 đoàn tham gia.
Đáng chú ý, nhiều VĐV nămg khiếu sau đó phát triển thành những VĐV giỏi. Tiêu biểu như Nguyễn Quang Thành, Lê Thành Trung vừa giành HCV và HCB tại Giải Vô địch trẻ Pencat Silat thế giới (tại UEA) cuối tháng 12/2024. Cả hai được phát hiện, đào tạo bởi các HLV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh.
Tuy nhiên, hiện phong trào tập luyện Pencak Silat không còn phát triển mạnh mẽ như trước, nên việc tìm kiếm, phát hiện những VĐV có năng khiếu gặp khá nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc thiếu môi trường tập luyện, thi đấu, hoặc thiếu cơ chế cho VĐV đi tập huấn, thi đấu, giao lưu cọ xát cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều tới việc trưởng thành, phát huy tài năng của các VĐV.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()