Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:01 (GMT +7)
Để có những sản phẩm nông nghiệp an toàn
Thứ 2, 30/11/2020 | 08:35:14 [GMT +7] A A
Nhằm quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo VSATTP.
Cán bộ Sở NN&PTNT kiểm tra quy trình sản xuất rau an toàn tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều). |
Ông Lưu Văn Dần, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Năm 2020, ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, ATTP, giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trên địa bàn và mở rộng thị trường tiêu thụ trong khu vực. Qua đó, toàn tỉnh đã tập trung phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn nhằm kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 4 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn gồm: Thịt lợn, gạo nếp cái hoa vàng, rau, chả mực. Theo đó, các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm đã được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời về cơ sở kỹ thuật cho sản xuất, chế biến, kinh doanh; giám sát chất lượng ATTP; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc; thuê điểm, gian hàng kinh doanh... Toàn tỉnh hiện có 269 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). 10 tháng năm 2020 toàn tỉnh đã cấp phát 90.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống làm giả cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản...
Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều) - đơn vị sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo VSATTP, chúng tôi đã thực hiện nghiêm ngặt mọi quy trình sản xuất. Việc ghi chép sổ theo dõi từ sản xuất đến thu hoạch sản phẩm đều được giám sát cụ thể. Hằng tháng, ngành chức năng đều thực hiện lấy mẫu giám sát 2 lần, qua kết quả giám sát, sản phẩm rau, củ, quả của công ty đều đảm bảo các tiêu chuẩn và cung cấp an toàn đến tay người tiêu dùng.
Người dân, du khách tới tham quan, mua sắm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2020. Ảnh: Minh Đức |
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm và thực hiện thường xuyên, định kỳ tại 13 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu và các khâu sản xuất, chế biến tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thì tần suất và số lượng mẫu được giám sát càng cao.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, lấy 593 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP, qua đánh giá có 569 mẫu đạt yêu cầu. Ngoài ra, các địa phương trong toàn tỉnh đã kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP đối với trên 6.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, qua đó phát hiện và xử phạt đối với 6 cơ sở vi phạm; toàn tỉnh tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với trên 25.890 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đạt 87% tổng số cơ sở trong toàn tỉnh.
Để đẩy mạnh việc quản lý ATTP, ngành Nông nghiệp đang triển khai đồng bộ công tác thông tin, truyền thông về ATTP nông, lâm, thủy sản; giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng, phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()