Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:55 (GMT +7)
Uông Bí: Để có những công dân số
Thứ 4, 01/06/2022 | 10:34:29 [GMT +7] A A
Trong thời đại công nghiệp 4.0, công dân số được ví như chìa khóa mở những “nút thắt” trên hành trình chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ở TP Uông Bí, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những công dân số đang từng bước làm chủ KHCN, phát triển thị trường... nâng cao chất lượng cuộc sống.
Anh Nguyễn Hữu Thuấn (phường Nam Khê) thường xuyên thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Hành chính công thành phố. Anh Thuấn cho biết: Tôi được cán bộ của Trung tâm Hành chính công thành phố hướng dẫn lập một tài khoản trên cổng dịch vụ công để thực hiện việc nộp các hồ sơ trực tuyến. Do đó, thay vì phải đến tận nơi như trước, tôi có thể ở nhà để thực hiện các TTHC mức độ 4, như cấp đổi giấy phép lái xe, làm khai sinh, trả tiền điện, nước, học phí... rất nhanh gọn và hiệu quả.
Còn anh Đoàn Xuân Tùng (thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công) là một điển hình trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất. Với hơn 10ha, anh Tùng đầu tư trồng vải, nhãn, bưởi, thanh long ruột đỏ. Riêng diện tích trồng thanh long ruột đỏ được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và được điều khiển trên điện thoại thông minh. Để quảng bá sản phẩm của mình đến với khách hàng, anh Tùng thường xuyên đăng tải trên facebook, zalo. Nhờ ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh đã giúp nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm của trang trại, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.
Để giúp người dân tiếp cận thông tin, sử dụng thành thạo các ứng dụng số, Thành Đoàn Uông Bí đã chỉ đạo đoàn thanh niên xã, phường thành lập tổ thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện các TTHC bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngay tại nhà.
Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phát huy vai trò xung kích của ĐVTN trong ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch. Đoàn thanh niên đã ra quân tạo và dán mã QR-Code các điểm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, gồm các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở kinh doanh, cơ sở dịch vụ ăn uống, cafe và các địa điểm công cộng khác, để tuyên truyền, vận động chủ cơ sở thực hiện việc yêu cầu, hướng dẫn khách hàng khi đến tham gia các dịch vụ tại cơ sở phải quét mã QR-Code khai báo y tế.
Bí thư Thành Đoàn Uông Bí Phạm Minh Toàn cho biết: Hiện nay hình thức họp trực tuyến được đoàn thanh niên ứng dụng khá nhiều, ngoài ra các công việc hằng ngày đều trao đổi, chỉ đạo qua zalo. Để quản lý đoàn viên tốt hơn, chúng tôi đang triển khai phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên. Qua đó, các thông tin về đoàn viên trên hệ thống sẽ được thể hiện một cách tổng thể, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về lưu trữ, quản lý, tìm kiếm và khai thác cơ sở dữ liệu đoàn viên của các cấp bộ đoàn.
Đối với ngành giáo dục, cuộc cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội để đào tạo nguồn nhân lực số, công dân số cho tương lai. Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Uông Bí Trần Nam Hải cho biết: Ngành rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học; các cơ sở giáo dục sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý, dạy - học; tất cả máy tính phục vụ nhiệm vụ chuyên môn có kết nối Internet; 100% trường học và cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản lý văn bản đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt. Việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy giúp nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, hầu hết đội ngũ CBCCVC trên địa bàn Uông Bí đều sử dụng thành thạo máy tính, xử lý công việc trên môi trường mạng; mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT của thành phố ở mức khá so với các địa phương khác trong tỉnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 80,53%, tỷ lệ xử lý văn bản điện tử giữa các cơ quan của thành phố đạt 100%.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()