Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Để các chuỗi nông sản gia tăng giá trị
Thứ 7, 26/08/2023 | 10:47:01 [GMT +7] A A
Trong sản xuất nông nghiệp, việc sản xuất theo chuỗi, tức là sản xuất có liên kết, có ràng buộc mang lại nhiều giá trị, nhiều lợi ích cho các bên tham gia chuỗi, cho nông sản hình thành từ sản xuất theo chuỗi, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Hiện trên tỉnh Quảng Ninh đã có 20 chuỗi nông sản an toàn với 59 sản phẩm được xác nhận.
Củ khoai tây Atlantic được trồng trên đồng đất Đông Triều, lâu nay được đánh giá là chuỗi liên kết sâu, với nhiều công đoạn, đang mang lại lợi ích cho các bên tham gia chuỗi, đặc biệt là người nông dân. Các bên trong chuỗi sản xuất này là: Nhà nông sản xuất trực tiếp; nhà quản lý - xã Bình Dương kết nối, định hướng, giám sát quá trình sản xuất trực tiếp; nhà khoa học - Viện Sinh học nông nghiệp cung ứng giống và quy trình sản xuất; nhà doanh nghiệp - Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, sơ chế và chế biến sâu thành những sản phẩm ăn liền. Hiện diện tích khoai tây Atlantic toàn TX Đông Triều là gần 200ha, tăng gấp gần 10 lần so với thời điểm mới triển khai chuỗi; về sản lượng là trên 1.600 tấn, gấp 12 lần. Mặc dù là chuỗi liên kết sâu và đã tồn tại, phát triển ở Đông Triều trong trên 10 năm qua, tuy nhiên chuỗi liên kết khoai tây Atlantic đến nay vẫn chưa được xác nhận chuỗi nông sản an toàn.
Lý giải về việc này, ông Vũ Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sản phẩm khoai tây Atlantic, mặc dù được trồng trên đồng đất Đông Triều, nhưng khâu chế biến thành sản phẩm thương mại và lưu hành trên thị trường không phải tại Quảng Ninh, điều này chưa đúng với quy định đang có, nên việc xác nhận chuỗi khó khăn...
Đi sâu vào nghiên cứu chuỗi khoai tây, cho thấy Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina hiện là doanh nghiệp lớn, có nhiều cơ sở chế biến sản phẩm khoai tây thái lát. Những sản phẩm này lưu hành toàn quốc, bao gồm cả Quảng Ninh, trong đó sản phẩm điển hình là các loại bimbim. Ông Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện sinh học Nông nghiệp, một đơn vị tham gia chuỗi khoai tây Atlantic khẳng định, nếu chiếu theo quy định, việc sản phẩm thương mại sản xuất từ khoai tây Atlantic Đông Triều có mặt ở Quảng Ninh, đến tay người tiêu dùng Quảng Ninh, có đại lý giới thiệu hoặc buôn bán sản phẩm tại Quảng Ninh đã là một trong những cơ sở quan trọng để xác nhận chuỗi nông sản an toàn...
Cùng với những chuỗi nông sản đang hoạt động, song chưa được xác nhận chuỗi giống như chuỗi khoai tây Atlantic thì trên địa bàn tỉnh cũng tồn tại những chuỗi nông sản đã được xác lập, nhưng tính kết nối yếu, thiếu ràng buộc, dễ bị đứt gãy, khiến cho hiệu quả sản xuất theo chuỗi chưa đạt như mong muốn. Lấy ví dụ chuỗi lúa gạo chất lượng cao của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh.
Doanh nghiệp này nhiều năm qua “bắt tay” với người dân để sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, ĐT100, ĐT120. Trong mối liên kết này, doanh nghiệp thực hiện cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện giám sát sản xuất theo quy trình, thu mua sản phẩm tại ruộng theo giá cam kết từ đầu vụ... Người nông dân yên tâm lo việc sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng... Lợi ích mang lại cho đôi bên là doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định để sản xuất, kinh doanh, còn người nông dân được đảm bảo thu nhập từ diện tích canh tác mà không lo về đầu ra hay biến động giá cả. Tuy nhiên không ít thời điểm đã xảy ra tình trạng Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh không thu mua được đủ lượng gạo trong chuỗi liên kết bởi một số người dân bán cho thương lái với giá cao hơn, bất chấp cam kết đã có giữa 2 bên ngay từ đầu vụ.
Từ thực tế trên, có thể thấy việc phát triển chuỗi nông sản, bao gồm cả nông sản chủ lực của Quảng Ninh hiện nay còn thiếu và yếu, còn chưa tương xứng với thực tế sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của nhiều bên tham gia chuỗi, bao gồm nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học, ngân hàng... đặc biệt là phía đơn vị quản lý chuyên môn, chính quyền địa phương cần có những cách làm linh động, sáng tạo, hiệu quả, thực sự chung tay hình thành và phát triển chuỗi nông sản an toàn hiệu quả cao. Cùng với đó, về lâu về dài, các đơn vị chức năng cũng cần phải giải bài toán phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, qua đó đưa sản xuất nông nghiệp thành kinh tế nông nghiệp, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho các bên tham gia chuỗi.
Việt Hoa
- Khai mạc Tuần Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản Quảng Ninh 2023
- Phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế đưa nông sản Việt vươn xa
- “Rộng cửa” xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
- Kết nối nông sản và sản phẩm OCOP giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với tỉnh Quảng Ninh
- Đẩy mạnh kết nối để tiêu thụ nông sản
Liên kết website
Ý kiến ()