Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:07 (GMT +7)
Để bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh ngày càng tỏa sáng
Thứ 5, 04/04/2024 | 10:32:55 [GMT +7] A A
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ đề công tác năm 2024 “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, tỉnh xác định phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa đặc sắc Quảng Ninh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển.
Nối dài mạch nguồn văn hóa
Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian vào chương trình giáo dục và sinh hoạt ngoại khóa, nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Điều đáng mừng là những hoạt động này được các em học sinh tích cực hưởng ứng.
Tham gia một giờ học ngoại khóa truyền dạy hát nhà tơ tại Trường Tiểu học xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà), phóng viên cảm nhận được sự hào hứng, say mê của cả học sinh và các nghệ nhân truyền dạy. Mỗi buổi học, học sinh được tìm hiểu về ý nghĩa của di sản, cách hát nhà tơ, hay những động tác múa phục vụ cho hoạt động tế lễ. Phan Thị Châm, học sinh Trường Tiểu học xã Đầm Hà, chia sẻ: Em rất tự hào khi quê hương Đầm Hà có Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát nhà tơ, nên khi được nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, được các bà trực tiếp dạy hát, chúng em rất yêu thích và tích cực học tập, để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Huyện Đầm Hà là một trong những địa phương của tỉnh còn lưu giữ được di sản hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của di sản, từ đầu năm 2024, UBND xã Đầm Hà, Đoàn Thanh niên xã đã phối hợp cùng Trường Tiểu học và Trường THCS xã Đầm Hà triển khai lớp truyền dạy ngoại khóa hát nhà tơ hằng tuần cho học sinh.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn đan xen, như tham quan các di tích, tham gia lễ hội. Bà Lương Thị Tuyết (CLB hát nhà tơ xã Đầm Hà) cho biết: Hát nhà tơ là loại hình nghệ thuật khó, song các cháu học sinh khi được truyền dạy đều rất hào hứng, say mê hát theo làm tôi rất xúc động. Mong các cháu thông qua những làn điệu truyền thống sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc mình, để hát nhà tơ sẽ không bị mai một theo thời gian.
Để duy trì hoạt động của CLB hát nhà tơ trong các trường học, UBND xã Đầm Hà đã đề xuất UBND huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí. Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đầm Hà Đặng Minh Hải cho biết: Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tập trung vào các nội dung giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là việc duy trì, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương. Tiếp tục duy trì, mở rộng CLB hát nhà tơ trong trường học với sự tham gia tích cực của các nghệ nhân và kết nạp thêm nhiều học sinh có niềm đam mê yêu thích với nghệ thuật truyền thống.
Còn với huyện Bình Liêu, từ nhiều năm nay là địa phương tiêu biểu trong triển khai giáo dục di sản văn hóa phi vật thể trong nhà trường, tập trung vào hát then, đàn tính của đồng bào dân tộc Tày, hát soóng cọ của đồng bào Sán Chỉ. Những tiết học ngoại khóa đã giúp nhiều thế hệ học sinh hiểu biết, trân trọng di sản mà cha ông để lại. Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu, cho biết: Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng tham mưu thành lập nhiều CLB văn nghệ dân gian và tích cực mở lớp truyền dạy hát các làn điệu truyền thống từ cơ bản đến nâng cao. Việc phối hợp truyền dạy văn hóa truyền thống trong nhà trường thực sự hiệu quả, bởi đối tượng hướng tới là các thế hệ kế cận, khi được tiếp thu vốn văn hóa của dân tộc một cách bài bản, khoa học, thì hiệu quả sẽ bền vững. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các lớp truyền dạy, thu hút ngày càng đông đảo học sinh và nhân dân tham gia.
Truyền dạy văn hóa truyền thống, giáo dục di sản văn hóa cho thế hệ trẻ là một trong những giải pháp mà các địa phương đang tích cực triển khai để phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, cũng là một trong những nội dung chủ đề công tác năm 2024.
Tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
Đại hội XIII của Đảng đã xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực. Đây là đường hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước đi lên, lập những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới. Triển khai thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đã xác định chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND, khẳng định quan điểm phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa đặc sắc Quảng Ninh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ giá trị con người Quảng Ninh với các đặc trưng cơ bản: “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thích ứng với sự thay đổi, nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội. Thường xuyên kết hợp đồng bộ xây dựng môi trường văn hóa gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh - nơi lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mỗi con người Quảng Ninh; môi trường văn hoá học đường - nơi rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, năng động, sáng tạo, nhân văn, tiến bộ, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao đang bổ sung, hoàn thiện và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo hướng thực hiện thường xuyên các chuẩn mực ứng xử văn minh, lịch sự với “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) trong toàn tỉnh.
Xây dựng Bộ tiêu chí khu dân cư văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các khu dân cư. Triển khai các giải pháp xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm, môi trường giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách con người Quảng Ninh; chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Kế hoạch số 67/KH-UBND của UBND tỉnh cũng đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có chỉ tiêu tổ chức 150 đợt biểu diễn nghệ thuật lưu động cho người dân, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Được biết, để góp phần hoàn thành chỉ tiêu này, trong tháng 3 vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với BĐBP tỉnh đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Biên cương Tổ quốc tôi” phục vụ gần 4.000 khán giả là nhân dân tại 1 xã đảo và 3 xã vùng sâu, vùng xa của các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực phát triển các CLB sinh hoạt nghệ thuật văn hóa dân gian trong cộng đồng dân cư, tiếp tục khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống. Từ đầu năm 2024 đến nay, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được các địa phương tổ chức quy mô, bài bản, ngày càng phát huy được giá trị của lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX Quảng Yên, cho biết: Năm 2024 là tròn 590 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434-2024). Thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh về “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, TX Quảng Yên đã tổ chức Lễ hội Tiên Công với các hoạt động phần lễ theo đúng nghi thức truyền thống, riêng nội dung phần hội độc đáo hơn so với mọi năm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải thể thao, trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương tham gia. Đặc biệt, Ban Tổ chức cũng phối hợp với gia đình các cụ thượng bài trí “Quán trạm con rể” theo đúng với cách thức của ông cha xưa, với mong muốn giáo dục truyền thống kính trọng cha mẹ, người già, đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch giàu bản sắc văn hóa, tạo sức lan tỏa sâu rộng.
Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Thời gian qua, tỉnh luôn xác định xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Quan điểm này đã được cụ thể hóa trong chủ đề công tác năm 2024 và sẽ được tiếp nối, triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thu Hoài - Ngọc Ánh
Liên kết website
Ý kiến ()