Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:36 (GMT +7)
DDCI - "Đòn bẩy" nâng cao năng lực điều hành của địa phương
Thứ 2, 28/11/2022 | 01:08:36 [GMT +7] A A
Năm 2022 là năm thứ 8 Quảng Ninh triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Để duy trì và đạt được thứ hạng cao, ngay từ đầu năm các địa phương trong tỉnh đã có những cách làm quyết liệt để có thể “bứt tốc” trên đường đua DDCI.
Quan tâm nhu cầu của doanh nghiệp
Trong 13 địa phương của tỉnh, TX Quảng Yên luôn đứng trong tốp đầu bảng xếp hạng DDCI và có 2 năm đứng ở vị trí thứ nhất (2019 và 2021). Trong đó, năm 2021 TX Quảng Yên đạt 79,83 điểm. Quảng Yên được đánh giá đã vượt lên chính mình khi có 6/9 chỉ số thành phần đạt điểm cao, dẫn đầu so với những địa phương còn lại. Điều đáng chú ý, 6 chỉ số đều liên quan trực tiếp đến sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp, bao gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tiếp cận đất đai và phát triển cơ sở hạ tầng; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp; tính năng động của địa phương.
Ông Trần Đức Thắng, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, chia sẻ: Việc quay trở lại dẫn đầu DDCI là niềm tự hào rất lớn của địa phương. Tuy nhiên, sau 8 năm tham gia "sân chơi" này, chúng tôi hiểu rằng, giá trị và điều quan trọng nhất của DDCI ngoài thứ bậc trong bảng xếp hạng, chính những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và sự kỳ vọng của doanh nghiệp mới là đích đến của địa phương.
Xuyên suốt tinh thần này, năm 2022 TX Quảng Yên tiếp tục đổi mới cách làm, xây dựng chính quyền kiến tạo để đến gần hơn nữa với doanh nghiệp, như: Công khai quy hoạch phát triển của thị xã, danh mục các dự án đầu tư; chủ động đến với nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ tư vấn về các TTHC, thủ tục pháp lý, an ninh trật tự, tuyển dụng lao động. Hằng tháng, quý, lãnh đạo thị xã bố trí thời gian làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai dự án, bồi thường hỗ trợ GPMB.
Đặc biệt, qua theo dõi trong hội nghị, tại cuộc họp, thị xã nhận thấy doanh nghiệp thường ngại đưa ra ý kiến trái chiều với chính quyền địa phương. Do đó, TX Quảng Yên chủ động gửi phiếu lấy ý kiến đến nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Việc lấy ý kiến thông qua thư ngỏ đã giúp thị xã đón nhận những đóng góp hết sức khách quan, vô tư. Qua đó, nhìn nhận được những mặt tốt để tiếp tục phát huy và tìm giải pháp điều chỉnh những mặt còn hạn chế.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) cho biết: Trước khi quyết định đầu tư tại Quảng Yên, chúng tôi nhiều lần trao đổi với các chủ đầu tư tại các KCN của thị xã và những bạn bè, đối tác, doanh nghiệp FDI. Họ đều nói rằng Quảng Yên đang phát triển rất nhanh và họ luôn nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ chính quyền thị xã. Sau 2 năm hoạt động, chúng tôi nhận thấy những lời nhận xét, đánh giá trên là hoàn toàn đúng với thực tế.
Cụ thể là năm 2021, khi Jinko Solar Việt Nam đặt chân đến Quảng Yên đầu tư và xây dựng nhà máy, tôi thấy chính quyền và các phòng, ban chức năng đều làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí cả những ngày cuối tuần và nghỉ lễ để đồng hành cùng với công ty trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý. Điều thứ 2 là để đưa nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi cần công suất điện lên tới 66MW trong giai đoạn 1 và 189MW của giai đoạn 2. Công suất này cao hơn rất nhiều so với đăng ký ban đầu. Trong trường hợp này, vai trò chính thuộc về ngành điện và thị xã là đơn vị phối hợp. Tuy nhiên, Quảng Yên đã vào cuộc rất tích cực trong công tác GPMB, đảm bảo đưa dự án đường dây và TBA 220kV Yên Hưng đóng điện trong quý II/2022. Thêm một điều khiến chúng tôi vô cùng hài lòng là khi chúng tôi xin trình cấp phép các thủ tục để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, chỉ trong vòng 50 ngày, địa phương đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để công ty thực hiện được các bước tiếp theo.
Năm 2021, TP Uông Bí cũng có bứt phá khá mạnh mẽ trong bảng xếp hạng DDCI khi từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ 3. Một trong những cách làm mới của thành phố là thành lập Tổ hỗ trợ đầu tư và kinh doanh (UBIC) vào tháng 8/2021. Ngay sau khi thành lập, UBIC định kỳ chủ động làm việc với từng doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, giải quyết triệt để, dứt điểm những vướng mắc cấp bách nhất, trọng điểm nhất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hội Doanh nghiệp thành phố liên hệ tới từng doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết khó khăn theo từng dự án cụ thể do doanh nghiệp đề xuất.
Ông Nguyễn Đức Tiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có hơn 900 doanh nghiệp và hơn 6.200 hộ cá thể đang hoạt động, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sinh hoạt trong Hội Doanh nghiệp thành phố còn rất khiêm tốn, chỉ có trên 100 hội viên. Do đó việc tiếp nhận thông tin hai chiều để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có phần hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá DDCI. Vì vậy, qua UBIC, địa phương có thêm 1 kênh để tiếp cận với các doanh nghiệp, cũng như là một cách làm để cho thấy tinh thần cầu thị, phá vỡ những lối mòn cũ của Uông Bí trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp.
Năm 2022, nhận thấy các doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài, TP Uông Bí đã chỉ đạo UBIC tăng cường làm việc với các doanh nghiệp để tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất. Trong 10 tháng năm 2022, UBIC đã tiếp nhận trên 50 ý kiến, kiến nghị thuộc lĩnh vực quy hoạch, đất đai, GPMB, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ việc giãn, hoãn nợ ngân hàng và hỗ trợ lãi suất vay để HTX tiếp tục đầu tư, duy trì kinh doanh dịch vụ.
Sau các buổi làm việc, UBIC đều có văn bản thông báo các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố theo hướng “rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ giải pháp” và đề nghị doanh nghiệp chấm điểm về sự điều hành của thành phố. Từ sự chuyển động này, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong cả nước đã quan tâm và mong muốn được về nghiên cứu các dự án với tổng mức đầu tư dự kiến trên 20.000 tỷ đồng; điển hình là: Công ty CP Tập đoàn GreeFeed Việt Nam; Công ty TNHH Nhân Đạt Tiến; Công ty CP Tập đoàn T&T; Trường Quốc tế Nhật Bản; Công ty TNHH MTV Musa Pacta; Công ty tập đoàn EdMoon; Công ty Cổ phần Shinec...
Đến nay, một số dự án trên địa bàn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Dự án sản xuất thiết bị y tế và sản xuất bao bì đóng gói tại phường Phương Nam (120 tỷ đồng); dự án đầu tư vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại phường Trưng Vương (94 tỷ đồng); Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư đô thị tại phường Trưng Vương của Tập đoàn Xuân Lãm (197 tỷ đồng); Khu dân cư và dịch vụ thương mại tại phường Trưng Vương (138 tỷ đồng).
Ông Dương Văn Thơm, Giám đốc Công ty CP Thông Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Uông Bí, khẳng định: Sự vào cuộc, quan tâm thực chất của chính quyền thành phố đã giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, tài nguyên cũng như các thủ tục hành chính, thuế, quỹ đất... Nhiều doanh nghiệp tự tin phục hồi sản xuất, kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn cũng gia tăng và số doanh nghiệp tham gia sinh hoạt trong hội cũng tăng. Tin tưởng, thành phố tiếp tục thành công trong "sân chơi" DDCI với thứ hạng cao hơn nữa.
Nghiêm túc nhận diện điểm nghẽn
Ngay khi công bố kết quả thứ bậc năm 2021, DDCI ngày càng tạo được sức lan tỏa đến tất cả các địa phương khi so sánh điểm số để làm động lực phát triển. Từ việc nâng, giảm thứ hạng, các địa phương đã ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm phải nâng cao chất lượng điều hành, giải quyết các TTHC, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là những địa phương bị tụt hạng, hoặc đứng ở cuối bảng xếp hạng.
Điển hình như TP Cẩm Phả có 3 năm (2017, 2018, 2020) dẫn đầu chỉ số DDCI trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, năm 2021 Cẩm Phả đã tụt hạng xuống vị trí thứ 5. TP Cẩm Phả đã nghiêm túc nhìn nhận lại những hạn chế để cải thiện hình ảnh của mình. Năm 2022, để tạo đột phá trong cải cách hành chính với sự thông thoáng, minh bạch, tránh phiền hà, tiết kiệm chi phí thời gian và nhân lực cho doanh nghiệp, thành phố đã chú trọng ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Trong 10 tháng năm 2022, Trung tâm Hành chính công TP Cẩm Phả đã tiếp nhận và xử lý trên 11.600 hồ sơ qua mạng (đạt tỷ lệ gần 60%). Tổng số TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 97%. Qua đó, nhiều TTHC doanh nghiệp chỉ cần thực hiện trên môi trường mạng mà không phải trực tiếp đến gặp cơ quan quản lý nhà nước.
Gia tăng niềm tin, tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp, thành phố cũng tập trung cao độ cho công tác GPMB để hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận thông tin; xử lý tốt các vấn đề xung đột lợi ích giữa người lao động với chủ doanh nghiệp.
Nhờ quan tâm cải cách toàn diện các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số DDCI, nên TP Cẩm Phả đã tạo uy tín giữ vững sức thu hút đầu tư trên địa bàn, tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng đáng kể. Nhiều dự án lớn có tính động lực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, như: Khu dịch vụ thương mại, công cộng và nhà ở tại Cẩm Bình của Công ty CP Vicom Retail; Trung tâm Thương mại và siêu thị của Công ty CP Bất động sản Việt - Nhật...
Còn đối với Vân Đồn, năm 2020 đứng ở cuối bảng xếp hạng, để nỗ lực cải thiện điểm số, năm 2021 huyện đã có nhiều cách làm mới để vươn lên vị trí thứ 10 (từ nhóm chưa tốt lên nhóm khá). Mặc dù đã có chuyển động, nhưng để nâng thứ hạng, Vân Đồn vẫn còn những khó khăn nhất định. Ngay từ đầu năm, huyện tập trung đẩy mạnh CCHC, loại bỏ những TTHC rườm rà, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai các dự án nuôi trồng thủy sản, du lịch trên địa bàn.
Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư hạ tầng, GPMB, tạo quỹ đất sạch, tận dụng tối đa hạ tầng đường cao tốc để thu hút các dự án vào địa bàn; đề xuất với các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất trong những lĩnh vực, sản phẩm lợi thế của địa phương; yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, bám sát với tình hình thực tế và chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình bằng những chỉ số, bằng chỉ tiêu cụ thể...
Có thể khẳng định rằng, các địa phương trong toàn tỉnh đều đang ráo riết triển khai những giải pháp nhằm nâng cao chỉ số DDCI. Đây là bước chuyển tích cực và cần thiết, giúp cho "đường đua" DDCI ngày càng có nhiều sự đổi mới. Từ sự nỗ lực của từng địa phương trong việc nâng cao các chỉ số DDCI sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh một cách đồng bộ, bền vững.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()