Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:37 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận tại hội trường về "Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022"
Thứ 6, 07/06/2024 | 18:06:59 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 7/6 Quốc hội thảo luận ở hội trường về "Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022"; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu thảo luận về nội dung "Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022", đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao Chính phủ, cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đại biểu đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. Trong đó, thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán 28,8%, thu từ các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt và vượt dự toán, cân đối ngân sách chi thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách.
Về công tác quyết toán ngân sách năm 2022, ngay sau khi có Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chính phủ đã ban hành chỉ thị với nhiều giải pháp cụ thể thực hiện đạt kết quả, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tăng cường giám sát, làm việc với các bộ ngành liên quan đôn đốc thực hiện quy định của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính, các bộ ngành địa phương, Kiểm toán Nhà nước có nhiều cố gắng trong công tác báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; rà soát, thu hồi tạm ứng quá hạn và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục. Trong đó, số liệu báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan thực hiện vốn ngân sách nhà nước còn một số bất cập. Số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách; đặc biệt số quyết toán chi ngân sách nhà nước giảm 407.317 tỷ, số bội chi ngân sách nhà nước giảm 49.317 tỷ, giảm nhiều so với dự toán. Theo đại biểu, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách Nhà nước các năm sau. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước thực chất hơn.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho biết một số khoản chi ngân sách đạt thấp so với dự toán; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao. Số chuyển nguồn sang năm sau rất lớn; quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 bằng 86,7% so với dự toán. Chi đầu tư phát triển đạt trên 71%, chi thường xuyên không đạt dự toán, số chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 rất lớn và tăng nhiều so với năm 2021. Chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 56,9% dự toán; chi cho y tế, gia đình chỉ đạt trên 43%...
Đại biểu khẳng định, nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương có nhu cầu rất lớn nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 37,7% dự toán, có địa phương đạt dưới 10%; thực hiện kế hoạch vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, một số chính sách, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là chính sách đầu tư phát triển y tế, lao động phải chuyển nguồn sang năm 2023, năm 2024. Qua đó cho thấy, việc sử dụng ngân sách nhà nước có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách.
Đại biểu phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên chủ yếu do lập dự toán chi ngân sách không sát với thực tế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chuẩn bị dự toán đầu tư, lập kế hoạch vốn, giao vốn chậm. Việc ban hành văn bản chi tiết thực hiện của một số chính sách nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập; cơ chế, chính sách về tài chính có nhiều vướng mắc, chậm sửa đổi; công tác tổ chức thực hiện có nơi còn trì trệ, còn tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa quyết tâm để thực hiện hiệu quả. Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị những bất cập trong công tác lập, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; có giải pháp để khắc phục. Bên cạnh đó, một hạn chế kéo dài nhiều năm cần được chỉ rõ nguyên nhân trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; đồng thời giao nhiệm vụ cho cơ quan cụ thể, trong đó có một cơ quan chủ trì đầu mối để thực hiện, một người chịu trách nhiệm chính để tránh việc thực hiện cơ chế phối hợp không hiệu quả.
Mặt khác, Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, quy định phù hợp để rút ngắn quy trình, thời gian lập, thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước, kịp thời luật hóa các cơ chế đặc thù về tài chính, tháo gỡ những vướng mắc trong chi ngân sách nhà nước; cho phép địa phương sử dụng ngân sách địa phương chi cho nhiệm vụ chi thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()