Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:40 (GMT +7)
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các luật, nghị quyết, chính sách do Quốc hội ban hành
Thứ 5, 07/03/2024 | 09:06:34 [GMT +7] A A
Quan tâm đến Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 07/03, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục định hướng, hướng dẫn để các ĐBQH tăng cường thông tin những điểm mới, nội dung sửa đổi, tác động của các chính sách đến đông đảo cử tri và nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các Luật, Nghị quyết, chính sách do Quốc hội ban hành.
Tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội
Phóng viên: Tiếp nối thành công từ Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự kiến diễn ra tại Nhà Quốc hội vào sáng 07/03. Đại biểu đánh giá thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức Hội nghị lần này?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Học tập cách làm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 01/2024 vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị “Phổ biến, tuyên truyền, phổ biến các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6”. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối diện rộng từ điểm cầu cấp tỉnh tới 190 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với gần 10.000 đại biểu, cử tri tham dự đã tạo được dấu ấn, sự quan tâm, được cử tri và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao.
Điều đó cho thấy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai để triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng nhằm quán triệt những điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá. Qua đó tăng cường công tác phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan trong việc tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đặc biệt Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng vì các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đều là các chính sách, pháp luật có độ khó và phức tạp, liên quan đến nhiều Luật chuyên ngành khác, có sự tác động sâu rộng đến các cấp ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, cử tri Quảng Ninh rất quan tâm đến các Luật được Quốc hội ban hành kỳ này, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)... mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Phóng viên: Nội dung trọng tâm của Hội nghị toàn quốc lần thứ triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV là gì, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Theo kế hoạch số 736/KH-UBTVQH15 ngày 07/2/2024 của UBTVQH, Hội nghị lần này sẽ tập trung quán triệt các điểm mới, nội dung quan trọng, các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai 09 Luật và 10 Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết luật, nghị quyết, để sớm đưa các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Cá nhân tôi rất quan tâm đến việc Chính phủ chỉ đạo xây dựng và triển khai các văn bản chi tiết thi hành luật, để tạo sự đồng bộ, thông nhất trong thực hiện, áp dụng Luật. Quốc hội đã lùi hiệu lực thi hành một số luật như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo khi Luật có hiệu lực, có thể thực hiện được ngay. Thực tế trong các Luật, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật cụ thể là rất nhiều, có tác động trực tiếp đến việc triển khai tại địa phương, nên cần quy định rõ trách nhiệm, tiến độ và chất lượng của các văn bản này.
Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị chung của Hội nghị và của Đoàn ĐBQH địa phương cũng như về quy mô tổ chức của Hội nghị lần thứ hai này?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức được kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai sớm từ đầu tháng 02/2024, tất cả đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho việc tổ chức hội nghị vào sáng ngày 07/3/2024.
Với quy mô Hội nghị theo Kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tôi hy vọng, nội dung của các chuyên đề báo cáo của các cơ quan được phân công sẽ phân tích rõ những điểm mới so với luật hiện hành, các tác động nếu thực thi các chính sách này; cam kết trách nhiệm về thời gian và tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn.
Tăng cường thông tin những điểm mới, nội dung sửa đổi, tác động của các chính sách đến đông đảo cử tri và nhân dân
Phóng viên: Như đại biểu đã chia sẻ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ninh tổ chức tuyên truyền các Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, vậy đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả này?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Trong tháng 01/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị “Phổ biến, tuyên truyền, phổ biến các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đoàn ĐBQH tỉnh đã mời các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, ĐBQH chuyên trách là các chuyên gia trực tiếp nghiên cứu chuyên sâu và tham gia thẩm tra các dự án luật của Quốc hội làm báo cáo viên, phổ biến, tuyên truyền về 07 Luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, chuyển tải những nội dung cốt lõi, mục tiêu, lý do sửa đổi, tác động của những nội dung, chính sách lớn của Luật... Qua đó, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cử tri và nhân dân.
Cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh mong muốn, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh tiếp tục chia sẻ, thông tin kịp thời các Luật, Nghị quyết do Quốc hội ban hành. Thực tế, qua trao đổi, có rất nhiều địa phương trong cả nước quan tâm đến cách làm này, và cũng có kế hoạch phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật để triển khai.
Phóng viên: Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu kỳ vọng gì về kết quả của Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Tôi cho rằng, Hội nghị lần này sẽ tác động và thúc đẩy Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ ngành Trung ương, địa phương quyết liệt, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động sự vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội và có sự ủng hộ của các tầng lớp cử tri, Nhân dân trong triển khai thi hành pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục định hướng, hướng dẫn để các ĐBQH tăng cường thông tin những điểm mới, nội dung sửa đổi, tác động của các chính sách đến đông đảo cử tri và nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các Luật, Nghị quyết, chính sách do Quốc hội ban hành. Qua đó, việc “Lập pháp chủ động” như Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sẽ đồng bộ, toàn diện, từ thực tiễn cuộc sống để xây dựng luật và trách nhiệm của chúng ta là đưa Luật sớm đi vào cuộc sống.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Theo quochoi.vn
Liên kết website
Ý kiến ()