Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:57 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%
Thứ 7, 20/05/2023 | 15:31:53 [GMT +7] A A
Đến nay, dù toàn ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực, nhưng kết quả thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn khá thấp, số tiền hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình chỉ đạt khoảng 409 tỷ đồng.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 409 tỷ đồng.
Toàn hệ thống vào cuộc tích cực
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, để triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP cùng với rất nhiều Hội nghị để quán triệt, phổ biến, thống nhất triển khai chính sách. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng tích cực vào cuộc, truyền thông rộng rãi gói hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng qua nhiều kênh khác nhau, tổ chức hàng loạt hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp.
Kết quả, tính đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 409 tỷ đồng.
“Con số đạt được khá thấp so với tổng quy mô của chương trình dù toàn ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã trăn trở, tìm mọi cách để triển khai gói hỗ trợ tốt hơn. Nhiều ngân hàng với trách nhiệm rất cao, tuy chưa giải ngân được nhiều, nhưng triển khai quyết liệt, thể hiện trách nhiệm với xã hội", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trong số 44 ngân hàng thương mại được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, có 32 ngân hàng đã có phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất.
Là ngân hàng có doanh số hỗ trợ lãi suất dẫn đầu hệ thống, đại diện VietinBank chia sẻ, tính tới thời điểm hiện nay, đã có 96/155 chi nhánh của ngân hàng triển khai chương trình, cho 224 khách hàng vay, quy mô dư nợ là 12.300 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 96 tỷ đồng.
Theo đại diện Agribank, trong suốt một năm qua, ngân hàng đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi triển khai chương trình, đồng thời tổ chức các hội nghị ở nhiều khu vực để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh. Tính đến ngày 18/5, Agribank có doanh số cho vay đạt 9.500 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ đạt 4.800 tỷ, số tiền hỗ trợ là 44 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/4, ngân hàng BIDV cũng đã thực hiện hỗ trợ 98 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 4.960 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 52,2 tỷ đồng. Trong khi đó, đại diện ngân hàng Vietcombank, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc cho biết, doanh số hỗ trợ lãi suất đến nay đạt 11.300 tỷ đồng, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là 59 tỷ đồng, nhờ vào việc ngân hàng đã liên tục truyền thông trong toàn hệ thống. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã chủ động các chương trình giảm lãi suất cho khách hàng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ
Mặc dù đã vào cuộc rất tích cực, nhưng có thể thấy, kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa được như kỳ vọng. Bà Hà Thu Giang lý giải, có rất nhiều nguyên nhân như bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi so với khi xây dựng Chương trình, khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất hay có trường hợp khách hàng đáp ứng điều kiện nhưng lại e ngại công tác thanh, kiểm tra, khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.
“Vì vậy, căn cứ vào thực tế triển khai, các ngân hàng thương mại đã dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 là khoảng 2.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng đạt được mục tiêu này là khó”, bà Hà Thu Giang chia sẻ.
Đại diện ngân hàng Agribank cho biết, ngân hàng tập trung cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, tập trung vào phân khúc nhỏ lẻ. Các hộ gia đình thường không đăng ký kinh doanh, vì vậy họ e ngại trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, sát sao chương trình tới từng chi nhánh.
Cũng đề cập đến một trong những “nút thắt” khiến tiến độ triển khai gói hỗ trợ còn chậm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho hay, có rất nhiều nguyên nhân nhưng tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất.
“Vì đây là hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên việc bị thanh tra, kiểm tra là khó tránh. Phần lợi ích đem lại so với công sức của họ bỏ ra, rồi lại phải thanh, kiểm tra khiến cho doanh nghiệp thật sự ái ngại khi tiếp cận gói hỗ trợ lại”, ông Thân cho biết thêm.
Nhận định thời gian qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nhiều thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, nhưng Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, bối cảnh của nền kinh tế hiện tại đang hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp, các ngành.
Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất; kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách.
Bên cạnh đó, bố trí kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại trong quá trình thực hiện thanh toán và quyết toán số tiền hỗ trợ lãi suất.
Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng đang gặp rất nhiều thách thức, tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, doanh nghiệp khó sẽ dẫn đến ngân hàng khó, ngược lại, ngân hàng cũng cần bảo vệ sức khỏe của mình, bảo đảm an toàn hệ thống. Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải coi trọng công tác tín dụng, tập trung tối đa vào công tác tín dụng trong giai đoạn tới đây, trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% là nhiệm vụ quan trọng và phải tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt.
“Giải ngân được thêm đồng nào tốt đồng đó, thêm doanh nghiệp nào tốt doanh nghiệp đó. Các ngân hàng phải có trách nhiệm từ nay đến cuối năm, chủ động tiếp cận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất theo quy định, không bị động ngồi chờ khách hàng đến”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()