Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:35 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 3, 22/06/2021 | 08:27:13 [GMT +7] A A
Không phải chỉ trong năm 2021 này, khi tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ngày càng nặng nề, đặc biệt là sau khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, mà từ nhiều năm trước, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cũng luôn là nội dung quan trọng trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ nếu chỉ tiêu này triển khai chậm, không đúng theo kế hoạch, sẽ không đảm bảo kịch bản, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo mục tiêu đã đề ra, đến 30/6 này các chủ đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 50% kế hoạch như kế hoạch chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi chỉ còn ít ngày nữa là đến hạn 30/6, thì vẫn còn nhiều chủ đầu tư, đặc biệt là ở các huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến đầu tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân của nhiều chủ đầu tư đạt rất thấp, ví dụ TX Đông Triều mới đạt trên 12%; TP Cẩm Phả trên 13%; huyện Vân Đồn trên 14%; TP Hạ Long đạt gần 15%; TP Móng Cái đạt gần 17%...
Cần phải hiểu rằng, lường trước những khó khăn, trở ngại, kể cả những hạn chế, yếu kém trong công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được đúc kết, rút ra từ các năm trước, cộng với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của năm, nên ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, sở, ngành liên quan phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để bù đắp những lĩnh vực, ngành bị tác động nặng nề của dịch bệnh. Trong đó, đáng chú ý là các mốc thời gian phải thực hiện, cụ thể là đến 30/6 phải giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch vốn được giao và đến 30/9 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Và mặc dù các chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, như chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các thủ tục đầu tư và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ từ rất sớm, thế nhưng, đến nay hạn định đến mốc thời gian thứ nhất đã gần chạm, nhưng thực tế tỷ lệ giải ngân vốn cũng chưa được bao nhiêu, như đã nói ở trên.
Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tiến độ triển khai chậm, các địa phương đều cho rằng chủ yếu là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Nhiều dự án tại các địa phương, mặc dù đã được bố trí đủ vốn theo quy định, song do người dân không đồng thuận với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thi công, không có khối lượng thanh quyết toán theo quy định. Bên cạnh đó, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, thắt chặt việc đi lại giữa các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, nên nhiều đơn vị nhà thầu thiếu nhân công lao động làm việc tại các công trường, cũng khiến cho tiến độ, khối lượng thực hiện không đảm bảo theo kế hoạch. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận có yếu tố chủ quan của các chủ đầu tư. Trong đó có nguyên nhân không mới đó là công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện chủ động, tích cực. Đây cũng là nguyên nhân cố hữu, hầu như năm nào cũng được nhắc tới, kiểm điểm trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, đáng chú ý là nhiều dự án, công trình lập chủ trương đầu tư còn chưa sát, chưa phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, của địa phương; năng lực khảo sát, tư vấn, lập dự án còn thấp và yếu. Do vậy, dự án khi trình duyệt, thẩm định không đạt yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều, dẫn đến chậm được triển khai...
Chúng ta đều biết, việc giải ngân vốn đầu tư công tác động rất lớn đến tốc độ phát triển, khả năng tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giải ngân chậm, đạt tỷ lệ thấp sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đạt kế hoạch, không đúng theo kịch bản đã xây dựng.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế, xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là các chủ đầu tư phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện các công trình, dự án. Đặc biệt là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án còn vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ thi công, có khối lượng thanh quyết toán, từ đó đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hạn chế đến mức thấp nhất việc chậm giải ngân, hoặc không giải ngân được, buộc các cơ quan chức năng phải điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác đảm bảo tiến độ tốt hơn.
Thời hạn đến 30/9, phải hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công của năm không còn dài. Do vậy, các địa phương, chủ đầu tư cần khẩn trương tận dụng cơ hội, thời gian đang an toàn dịch bệnh, để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, hạn định thời gian, để đảm bảo kế hoạch, kịch bản phát triển, tăng trưởng của năm 2021 và thực hiện thắng lợi mục tiêu kép như chủ trương đã đề ra từ đầu năm...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()