Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 13:47 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản
Thứ 2, 25/07/2022 | 08:38:51 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) lợ, mặn. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số lượng phao xốp chuyển đổi vẫn còn hạn chế, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2022, thay thế hoàn toàn vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp.
Tại TX Quảng Yên, có gần 970 bè nuôi hàu, hà, tương đương với số phao xốp phải xử lý là trên 160.000 quả; trên 16.000 quả phao xốp hỏng chờ thu gom xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị xã mới thay thế được trên 25.000 quả phao xốp bằng phao PVC và HDPE, đạt 15%. Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: Do tình hình tiêu thụ sản phẩm hàu, hà gặp nhiều khó khăn, một số hộ dân không bán được hàng nên khó đầu tư mua phao mới. Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phao xốp, UBND thị xã đã chỉ đạo các xã, phường thông tin, tuyên truyền triển khai các quyết định liên quan về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS nước lợ, mặn tại Quảng Ninh; vận động ngư dân chuyển đổi, di chuyển, cắt giảm diện tích nuôi không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp với vùng nuôi. Phấn đấu trong tháng 7/2022, sẽ thay thế toàn bộ phao dây nhỏ khu vực xã Hoàng Tân, đến hết tháng 9/2022 thực hiện thay thế 40.000 quả phao xốp và cuối năm 2022 hoàn thành thay thế 100% phao xốp sang vật liệu phù hợp quy chuẩn.
Tại huyện Vân Đồn, tính đến 30/6/2022, đã chuyển đổi, di dời, cắt giảm hơn 2,9 triệu quả phao xốp không phù hợp, tương ứng giảm 1.663ha và 189 cơ sở nuôi trồng, đạt 56,8% tổng số phao xốp phải chuyển đổi. Từ nay đến cuối năm, huyện tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong triển khai sử dụng vật liệu nổi NTTS, không để tình trạng các loại vật liệu không có nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng. Đồng thời, khẩn trương kết nối giữa các đơn vị sản xuất, cung cấp vật liệu nổi đạt quy chuẩn địa phương trên địa bàn huyện để cung cấp danh mục, chủng loại vật liệu, giá cả, thông tin rộng rãi cho người dân biết để lựa chọn phù hợp. Huyện cũng đẩy nhanh tiến độ giao, cho thuê mặt nước biển, bãi triều để đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước.
Theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chậm nhất hết năm 2022, các địa phương phải hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch; thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp nuôi trồng trái phép, vi phạm quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hoạt động trên biển… Đến nay, toàn tỉnh chuyển đổi được gần 90 vạn phao xốp sang phao đạt quy chuẩn, đạt khoảng 32% phao cần chuyển đổi. Chỉ còn hơn 5 tháng nữa là hết năm 2022, tuy nhiên, việc chuyển đổi phao nổi tại các địa phương còn gặp những khó khăn.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), việc tổ chức sản xuất trên biển có tính đặc thù, đòi hỏi người dân, doanh nghiệp cần có nguồn lực trong quá trình thực hiện, gắn liền với thời gian thu hoạch sản phẩm, thời vụ NTTS và phao xốp đang sử dụng. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi ở một số địa phương chưa được chủ động, dẫn đến chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc ban hành nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế. Công tác quản lý, giám sát chưa chặt chẽ, việc tuyên truyền thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi chưa được thường xuyên và quyết liệt, thiếu hiệu quả nên một số nơi còn hiện tượng người dân tiếp tục lắp đặt phao xốp mới; chuyển đổi vật liệu nổi chậm so với kế hoạch của tỉnh.
Bên cạnh đó, còn có nhiều cơ sở nuôi mới lắp đặt phao xốp trước khi Quy chuẩn 08:2020/QN có hiệu lực hoặc đang sử dụng loại phao nổi không gây ô nhiễm môi trường nhưng không phải là loại phao nhựa HDPE theo mẫu đang phổ biến nên khó thực hiện chuyển đổi. Vấn đề thông tin, báo cáo còn chậm, chưa đầy đủ giữa địa phương và cấp tỉnh, dẫn đến việc cơ quan chức năng khó tổng hợp số liệu chính xác để có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, chính xác. Việc áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa được hướng dẫn cụ thể ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi…
Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương theo đúng kế hoạch của tỉnh đã đề ra, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu nổi và các hộ dân NTTS trên biển cần phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổi trong NTTS; hướng dẫn các địa phương thu gom, xử lý phao xốp sau chuyển đổi, đảm bảo các quy định về quản lý môi trường; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất, cung ứng vật liệu nổi, nâng cao chất lượng vật liệu nổi. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương ven biển, rà soát, phân vùng chức năng không gian biển, xác định rõ những khu vực có khả năng NTTS theo từng đối tượng nuôi chủ lực cụ thể; diện tích, số lượng các cơ sở nuôi trồng trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp mua bán, vận chuyển phao nhựa dùng trong NTTS không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu… và các trường hợp nuôi trồng trái phép, ngoài quy hoạch.
Đồng thời, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận những cơ chế, chính sách trong việc chuyển đổi vật liệu nổi; cung cấp danh sách các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu nổi đã được công nhận hợp quy, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu nổi thực hiện đúng quy định về trình tự tiếp nhận hồ sơ; cam kết về chất lượng sản phẩm phao nhựa; kịp thời xử lý bảo hành, bảo trì phao bị lỗi cho người NTTS...
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()