Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:24 (GMT +7)
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép thăm dò và khai thác than
Thứ 6, 28/04/2023 | 14:08:39 [GMT +7] A A
Trong hoạt động khai thác than, khoan thăm dò, khảo sát trữ lượng than tổ chức khai thác than cần phải được cấp phép theo quy định của Nhà nước. Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án mỏ, TKV hiện đang nỗ lực cùng các ngành, địa phương, tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động này. Dự kiến, đến tháng 6 năm nay, một số dự án thăm dò và khai thác than vùng Quảng Ninh sẽ được cấp phép để triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác than, đảm bảo nguồn năng lượng cho các ngành kinh tế.
Thăm dò khảo sát là một trong những công việc rất quan trọng của ngành than. Cụ thể, muốn thành lập các dự án khai thác than, việc đầu tiên là phải tìm kiếm tiềm năng khoáng sản, tổ chức thăm dò, xác định trữ lượng, từ đó mới có cơ sở để triển khai hoạt động khai thác than, khoáng sản. Việc thăm dò khảo sát nhằm phát triển tài nguyên, nâng cấp trữ lượng, lập dự án các dự án mỏ và thường phải đi trước 10 năm để phục vụ việc gối đầu khi một dự án mỏ dần kết thúc. Nói cách khác, đây là khâu quan trọng hàng đầu, là yếu tố tiên quyết đối với sự thành công của công tác quy hoạch nói chung và các dự án khai thác nói riêng của ngành than.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thăm dò khảo sát gặp không ít khó khăn, nhất là liên quan đến việc chồng lấn với các quy hoạch đất rừng. Việc này, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nâng cấp trữ lượng, lập dự án đầu tư các dự án mỏ.
Theo ông Nguyễn Xuân Huệ, Phó Giám đốc Công ty CP Địa chất mỏ - TKV (đơn vị được TKV giao nhiệm vụ thăm dò địa chất, khoáng sản), vướng mắc nhất hiện nay là đối với các đề án thăm dò khu vực mỏ Suối Lại, Hà Ráng, Đồng Vông Uông Thượng và Mỏ Vàng Danh để phục vụ cho các dự án xuống sâu. Đây là những nơi có rất nhiều diện tích bị chồng lấn với quy hoạch rừng phòng hộ. Trong khi tổng trữ lượng của các mỏ này được xác định khoảng 817 triệu tấn, tổng công suất 7,9 triệu tấn/năm, tương đương với 20% sản lượng hiện nay của TKV.
Việc sử dụng diện tích đất để thăm dò khảo sát chỉ là trưng dụng tạm thời và sẽ được Công ty CP Địa chất mỏ hoàn nguyên sau khi kết thúc. Tuy nhiên, quy định về việc không được thực hiện các hoạt động tại khu vực quy hoạch rừng phòng hộ đã tác động lớn tới tiến độ triển khai các hoạt động thăm dò khảo sát.
Không chỉ gặp khó trong công tác cấp giấy phép thăm dò, nguy cơ lớn nhất đối với việc thực hiện kế hoạch khai thác, tiêu thụ than của TKV trong năm 2023 là thủ tục cấp giấy phép khai thác. Nếu không được tháo gỡ, giải quyết kịp thời thì sản lượng than nguyên khai khai thác sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm. Vì vậy, việc cấp than cho điện và các hộ tiêu thụ theo hợp đồng kinh tế đã ký kết là vô cùng khó khăn; nguy cơ thiếu than cho điện là hiện hữu.
Kế hoạch khai thác than năm 2023 của TKV là 39,095 triệu tấn. Trong đó, sản lượng vượt công suất giấy phép khai thác của 4 dự án mà TKV đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép khai thác vượt công suất nhỏ hơn 15% là 416.000 tấn. Đến hiện tại, TKV vẫn có 4 dự án có sản lượng huy động theo kế hoạch năm 2023 là 2,435 triệu tấn vẫn chưa xong thủ tục cấp giấy phép khai thác.
Trong các dự án chưa được cấp giấy phép khai thác, Dự án cải tạo mở rộng nâng công suất mỏ than Cao Sơn của Công ty CP Than Cao Sơn có kế hoạch huy động năm 2023 là 2,14 triệu tấn than nguyên khai. Nếu không được cấp giấy phép khai thác thì trên 50% người lao động của Công ty CP Than Cao Sơn hết việc làm từ tháng 5/2023.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn - TKV cho biết: "Hiện nay, khu vực khai trường Cao Sơn dự kiến đến cuối tháng 4 sẽ khai thác hết sản lượng than nguyên khai được cấp phép. Còn tại khu vực khai trường Khe Chàm II trữ lượng còn lại cũng chỉ còn 1,9 triệu tấn. Kế hoạch năm 2023 đã khai thác 1,3 triệu tấn than nguyên khai, trong khi giấy phép chỉ có thời hạn đến 26/6 năm nay".
Để gối đầu cho dự án, Công ty CP Than Cao Sơn đã hoàn thiện hồ sơ của Dự án cải tạo mở rộng nâng công suất mỏ than Cao Sơn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên do phạm vi diện tích dự án có chồng lấn với một số đơn vị lân cận thuộc TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, dẫn đến khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Thúc đẩy vấn đề này, vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã phối hợp tổ chức hội nghị để thống nhất các nội dung liên quan đến việc cấp, gia hạn giấy phép, thuê đất đối với các dự án và công tác phối hợp giữa hai đơn vị.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã thảo luận, thống nhất phương án giải quyết việc chồng lấn quy hoạch khai thác giữa mỏ Than Cao Sơn và mỏ Đông Đá Mài cùng một số vị trí khác. Hai đơn vị cũng thống nhất trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác trao đổi, phối hợp trong hoạt động khai thác, tiêu thụ than.
Về phía Quảng Ninh, tỉnh luôn xác định, khó khăn của ngành than cũng chính là khó khăn của tỉnh, bởi vậy, tỉnh sẽ đồng hành, sát cánh cùng ngành than nói chung và Công ty CP Than Cao Sơn nói riêng kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Qua đó, đảm bảo mục tiêu chung là đáp ứng than cho nền kinh tế, duy trì ổn định sản xuất, việc làm, đời sống của hàng nghìn người lao động.
Đại diện TKV - ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng ban Tài nguyên Tập đoàn cho biết: Với những nỗ lực của Tập đoàn và sự vào cuộc, ủng hộ của tỉnh Quảng Ninh cùng các bộ, ngành Trung ương, dự kiến, đến tháng 6/2023, Công ty CP Than Cao Sơn sẽ được cấp giấy phép khai thác Dự án cải tạo mở rộng nâng công suất mỏ than Cao Sơn và gia hạn phần khai thác khu vực khai trường Khe Chàm II, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất của đơn vị cũng như Tập đoàn.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()