Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:41 (GMT +7)
Đẩy nhanh thực hiện nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh
Thứ 4, 04/11/2020 | 11:54:26 [GMT +7] A A
Nhằm cung cấp đủ điện tiêu thụ cho miền Bắc trong giai đoạn 2026-2030, ngày 17/10, Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG nhập khẩu đầu tiên của miền Bắc. Với công suất dự kiến là 1.500MW, dự án này sẽ tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là trung tâm sản xuất điện lớn của cả nước.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ Dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vào cuối tháng 10/2020. Ảnh: EVN |
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021-2030, hệ thống điện miền Bắc sẽ bị thiếu điện với khoảng 6.000MW. Nguyên nhân là do Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 3 công suất 440MW và Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 công suất 600MW do TKV làm chủ đầu tư dự kiến sau năm 2029 mới đưa vào vận hành; các nhà máy điện mặt trời hiện đã được bổ sung quy hoạch rất ít, công suất nhỏ, khó có khả năng phát triển; các nhà máy điện gió hiện chưa có nhà máy nào được đưa vào vận hành…
Từ thực trạng trên cho thấy, việc đưa vào vận hành Nhà máy điện khí LNG trong giai đoạn này sẽ tăng cường đáng kể khả năng cung cấp điện cho miền Bắc nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung. Xuất phát từ thực tiễn về nhu cầu điện của quốc gia, việc xây dựng một nhà máy điện khí được cho là phù hợp với sự phát triển chung của các địa phương. Từ đầu năm 2018, qua các chuyến đi thực địa, các nhà đầu tư nhận thấy, ở khu vực phía Bắc không có địa phương nào có điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà máy, trừ Quảng Ninh. Với khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả), Quảng Ninh có lợi thế rất lớn so với các địa phương khác về giao thông vận tải, phù hợp để xây dựng các bến cảng cho việc nhập khẩu khí hóa lỏng LNG với quy mô công suất tàu từ 70.000-100.000DWT. Do đó, tháng 8/2019, tại cuộc làm việc với tỉnh, Liên danh Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã báo cáo lãnh đạo tỉnh về ý tưởng nghiên cứu, lập quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy tại phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả).
Cùng với các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh sẽ đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc. (Ảnh: Trung tâm điều hành sản xuất của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương) |
Theo đó, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh sẽ có công suất 1.500MW, sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp tiên tiến bậc nhất hiện nay, đáp ứng yêu cầu cao về môi trường. Quy mô vốn được tính toán khoảng 1,9 tỷ USD, gồm nhà máy điện và hệ thống cảng nhập, kho chứa LNG, hệ thống tái hóa khí đi kèm. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 82ha (trong đó có 30ha trên biển), nằm xa khu dân cư, không có đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Qua tính toán, nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh nhiên liệu than gần cạn kiệt, việc sử dụng LNG sẽ là xu hướng tất yếu của tương lai. Mặt khác, do LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp nên dự án đi vào vận hành không chỉ đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển KT-XH của địa phương, mà còn đáp ứng các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính theo đúng chủ trương tỉnh đã đặt ra. Đặc biệt, trong 25 năm vận hành dự án, dự kiến sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 58.000 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Chính phủ cho bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và thẩm định hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch tỉnh, ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1409/TTg-CN đồng ý bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030.
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương), cho biết: Sau khi Nhiệt điện khí LNG Quảng Ninh vận hành đầy đủ 2 tổ máy vào năm 2026-2027, tỉnh Quảng Ninh sẽ duy trì lượng công suất dư thừa khoảng 5.800-6.600MW. Qua đó đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho trung tâm phụ tải Hà Nội và các khu vực lân cận. Vì vậy, sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để dự án sớm được triển khai, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, bảo vệ môi trường.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()