Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:29 (GMT +7)
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực
Thứ 2, 15/11/2021 | 16:20:32 [GMT +7] A A
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của khu vực này cũng bắt đầu tăng nhanh do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Âu chiếm 11,4% thị phần với nhiều mặt hàng như: thủy sản, gạo, trái cây… Đây là con số không lớn so với thị trường châu Á (42,8% thị phần) và thị trường châu Mỹ (30% thị phần). Ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nguyên nhân còn do châu Âu là thị trường đòi hỏi khắt khe bậc nhất thế giới về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cơ hội tăng trưởng lớn
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh, EU là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng đều vẫn đang ở mức thấp, chưa tương xứng với dung lượng thị trường và quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - EU.
Dẫn chứng cho thấy, đối với thủy sản, đây là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam, duy trì giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD/năm từ năm 2015 đến hết năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc hải sản khai thác bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" nên xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu đã giảm sút trong vài năm gần đây.
Về rau quả, EU là thị trường nhập khẩu rất lớn, chiếm tỷ trọng tới 45% đến 50% lượng rau quả nhập khẩu của thế giới. Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam, nhưng Việt Nam lại chỉ đứng thứ 25 trong số các thị trường cung ứng rau quả vào EU với thị phần chỉ khoảng 1%. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết: Rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU cơ bản vẫn là sản phẩm tươi, thô, sơ chế. Các sản phẩm chế biến sâu rất ít nên giá trị gia tăng chưa cao. Chính vì vậy, thị phần rau quả của Việt Nam vào EU hiện quá nhỏ trong khi nhu cầu thị trường rất lớn. Do đó, doanh nghiệp luôn xác định không ngừng nâng cao chất lượng và bảo đảm đầy đủ các yêu cầu và tiêu chuẩn của EU để đạt mức tăng trưởng nhanh. Nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, EU cam kết mở cửa cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: chôm chôm, thanh long, dưa, dứa, nhãn, vải…
Bên cạnh thủy sản, trái cây, EU cũng là thị trường tiêu thụ cà-phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng lượng và 37% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cà-phê Việt Nam sang EU duy trì ở mức 1,2 tỷ đến 1,4 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm qua. Với lợi thế từ EVFTA, mặt hàng cà-phê Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới. Mặt khác, cà-phê Buôn Ma Thuột là một trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ ngay từ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi.
Mặt khác, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung hàng hóa cho thị trường EU đang đứt gãy nên các đầu mối nhập khẩu tại EU phải nghĩ tới việc bán hàng cầm chừng để dành hàng hóa cho dịp cuối năm, nhất là các mặt hàng nông sản. Đây là cơ hội lớn, rất khó lặp lại trong lịch sử nên các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm tận dụng.
Hiểu thị trường để gia tăng giá trị
Một trong những hạn chế lâu nay của nền nông nghiệp Việt Nam là đang bán những gì mình có mà chưa tập trung nghiên cứu, tìm hiểu sâu và kỹ lưỡng những gì thị trường cần. Do đó, đến thời điểm này, tình trạng "được mùa mất giá" vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Trong hoạt động xuất khẩu cũng vậy, do thiếu thông tin về thị trường nên nhiều nông sản chào bán vẫn chưa thu hút được đối tác, nhất là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, an toàn như châu Âu. Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, không phải chỉ khẩu vị mà còn hình thức bao bì, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường... Thí dụ như có doanh nghiệp tự hào vì sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu mật ong sang châu Âu nhưng không nắm rõ rằng châu Âu, đặc biệt là Italia và Pháp là những nước sản xuất mật ong lâu đời, có tiêu chuẩn rất ngặt nghèo khi xem xét cách nuôi ong, có bảo vệ ong hay không; hay như khi bán cà-phê chế biến, chúng ta hay chào cà-phê hòa tan, có hương liệu nhiều, trong khi người dân châu Âu thích hương vị nhẹ nhàng, tự nhiên. Về nhu cầu của thị trường Italia, ông Nguyễn Đức Thanh nêu rõ: Các mặt hàng thủy sản, chè, cà-phê đều có thể thúc đẩy phát triển hơn nữa tại thị trường nước này. Riêng sản phẩm gạo, dư địa còn rất lớn bởi Italia là quốc gia nhập khẩu gạo khá nhiều ở EU. Năm 2019, Italia nhập khẩu khoảng 221.000 tấn gạo (tương đương 174 triệu USD) từ các nước trên thế giới. Trong đó, nước này nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 7.000 tấn (tương đương 5 triệu USD), tức là Việt Nam chỉ chiếm 3,1% thị phần nhập khẩu gạo của Italia. Trong khi đó, con số này từ Pakistan là 70.000 tấn (tương đương 64 triệu USD), Thái Lan 19.000 tấn (21 triệu USD), Ấn Độ 16.000 tấn (18 triệu USD)...
Ngoài vấn đề về chất lượng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, thì an toàn thực phẩm hay các yếu tố ngoài sản phẩm như bảo vệ môi trường, lao động... đã và đang rất được quan tâm tại EU.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha Vũ Chiến Thắng cho biết: Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được thị trường Tây Ban Nha quan tâm hàng đầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như cá ngừ, tôm, mực vào thị trường Tây Ban Nha cần phải lưu ý đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu đánh bắt, bảo quản đến khâu chế biến, chuyên chở để không vi phạm các quy định an toàn thực phẩm hiện hành. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng đang ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, người chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải cam kết bảo đảm điều kiện làm việc tiêu chuẩn cho công nhân, bảo đảm sản xuất an toàn về con người và về bảo vệ môi trường, và nhất là không được sử dụng lao động cưỡng bức hay lao động trẻ em. EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng xem trọng các yếu tố trách nhiệm xã hội này của các doanh nghiệp như là điều kiện ràng buộc trong việc tiến hành giao dịch, ký kết và thực hiện mua bán hàng hóa. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần hết sức lưu tâm thực hiện.
Có thể thấy, nhu cầu thị trường là yếu tố quan trọng để tính toán quy hoạch sản xuất và chế biến nông sản, nhất là đối với thị trường lớn và đòi hỏi chất lượng cao như EU. Nắm bắt được yêu cầu đó, thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam với khu vực thị trường này. Theo đó, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài, các cơ quan chức năng cùng trao đổi về vấn đề cung - cầu; yếu tố pháp lý trong hoạt động xuất khẩu; tâm lý người tiêu dùng; văn hóa nước sở tại... Từ đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu có cái nhìn toàn diện về thị trường mình quan tâm, quay trở lại đưa các "thông số" đó vào sản phẩm, nhằm chinh phục một cách hiệu quả nhất thị trường EU với rất nhiều tiềm năng và giá trị.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()