Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:07 (GMT +7)
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Thứ 2, 25/09/2023 | 14:59:24 [GMT +7] A A
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, mang đặc thù của địa phương, góp phần tăng thu nhập bền vững cho nông dân.
Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến thời điểm này, huyện Hải Hà đã hình thành được một số vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung. Riêng với cây chè là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã phát triển được hơn 800ha, trong đó chè Ngọc Thúy chiếm hơn 74%. Hiện nay, toàn huyện có gần 40ha chè có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè, đầu năm nay, huyện Hải Hà đã triển khai mô hình “Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè” tại xã Quảng Thịnh. Là hộ đầu tiên ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm này, ông Nguyễn Văn Cử (thôn 6, xã Quảng Thịnh) đã lắp đặt 6 trụ tưới trên tổng diện tích 6.000m2 chè Ngọc Thúy. Các trụ này sẽ tự động quay và tưới phun xung quanh trên cơ sở tận dụng nguồn nước giếng, ao sẵn có của gia đình. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 100 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, số còn lại do gia đình đối ứng.
Ông Nguyễn Văn Cử cho biết, từ khi áp dụng mô hình này, thời gian tưới nước giảm từ 12 tiếng xuống còn 30 phút mỗi ngày; so với tưới tràn trước đây, mô hình này đã tiết kiệm được tới 60% lượng nước. Trong khi đó, thời gian sinh trưởng của chè rút ngắn từ 3 đến 4 ngày/lứa, nên mỗi năm gia đình thu được 7 lứa chè, tăng 1 lứa so với trước đây. Nhờ đó, tổng sản lượng chè của gia đình đạt 20 tấn/năm, trị giá 160 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng.
Gia đình ông Dương Hữu Trung (thôn Hải Đông, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) có 15ha đất rừng sản xuất, trong đó có 3ha trồng chè Ngọc Thúy và 5ha trồng cây ăn quả. Trước đây, ngoài 2 lao động chính trong gia đình, ông Trung phải thuê thêm từ 3 đến 5 lao động làm việc theo thời vụ, làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Sau khi mày mò tìm hiểu trên mạng xã hội, ông Trung đã đầu tư nhiều thiết bị làm vườn thông minh như máy cắt cỏ, máy cắt tỉa, hệ thống tưới phun mưa cục bộ, tưới nhỏ giọt… Những dụng cụ làm vườn thông minh này đã giúp ông Trung chăm sóc cây trồng hiệu quả hơn, đảm bảo khung thời vụ cũng như chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Đồng thời giúp ông tiết kiệm đến 50% chi phí nhân công để tái đầu tư sản xuất.
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã dành từ 6-7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm, tương đương với khoảng 600-800 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, trong đó có ngành nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã triển khai cơ chế đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5 đến 8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hạ tầng, mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính…
Hiện nay, ngoài hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp, nông hộ đang mang lại lợi nhuận từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều khu ứng dụng công nghệ cao về nông nghiệp và thủy sản. Điển hình như: Khu phức hợp sản xuất tôm giống chất lượng cao của Tập đoàn Việt - Úc tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh cho biết, năm 2022, công ty đã nghiên cứu, nuôi thử nghiệm thành công giống tôm chịu lạnh. Với giống tôm mới này, dự kiến năm 2023 công ty sẽ cung cấp khoảng 2 tỷ con giống cho thị trường miền Bắc nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi rõ rệt chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên cùng một mặt hàng sản phẩm. Thực tế cho thấy, có rất nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP, đã từng bước đứng vững trên thị trường lớn, nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về sản xuất, chế biến và bảo quản…
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()