Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:23 (GMT +7)
Đẩy mạnh tuyển dụng thợ lò vùng Quảng Ninh
Thứ 6, 14/10/2022 | 13:38:39 [GMT +7] A A
Hàng năm, các mỏ hầm lò của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần tuyển từ 4.500-5.000 lao động, chủ yếu là thợ lò phục vụ sản xuất. Để đảm bảo chỉ tiêu này, TKV một mặt duy trì khai thác thị trường lao động truyền thống, mặt khác tìm kiếm nguồn lao động mới. Những năm gần đây, TKV đang tiếp tục duy trì chính sách kết nối giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp và các địa phương miền Đông tỉnh Quảng Ninh để đẩy mạnh khai thác thị trường lao động này. Đây là một hướng đi mới giúp TKV đảm bảo nguồn cung lao động, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh vùng Quảng Ninh.
Những năm qua, các kênh tuyển dụng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chủ yếu khai thác thị trường lao động ngoài tỉnh Quảng Ninh, như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương… Để duy trì các thị trường lao động truyền thống này, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với 26 huyện thuộc 9 tỉnh, thành trong việc hợp tác tuyên truyền, đưa lao động đi đào tạo và công tác tại các đơn vị thuộc Tập đoàn. Trung bình một năm, nhà trường tuyển sinh được 3.500 học viên là người ngoại tỉnh, chiếm một phần lớn trong cơ cấu lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đặc biệt là các mỏ hầm lò. Đây là một yếu tố quan trọng giúp duy trì ổn định và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh than của TKV.
Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyển dụng lao động ở tỉnh ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ là vấn đề khoảng cách địa lý, chi phí tuyển dụng tốn kém, đến nay yếu tố bền vững của nguồn lao động tỉnh ngoài vẫn chưa thật sự được củng cố. Theo phong tục, tập quán, những thời điểm như lễ, tết, ngày rằm, thợ lò là đồng bào dân tộc thiểu số thường nghỉ việc dài ngày, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các mỏ. Nhiều thợ lò trẻ không hòa nhập được với môi trường công nghiệp có tính kỷ luật cao cũng đã tự ý bỏ việc sau một thời gian ngắn đi làm.
Từng bước khắc phục thực trạng này, từ năm 2018, TKV đã nghiên cứu khai thác thị trường lao động các huyện miền Đông tỉnh Quảng Ninh, tập trung ở Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà. Đây là những khu vực dồi dào nguồn lao động trẻ, có thể lực tốt và có nhu cầu việc làm ổn định. Đặc biệt, điều kiện đi lại giữa các mỏ với nơi cư trú của người dân những địa bàn này thuận tiện hơn so với lao động ngoại tỉnh cũng là một lý do thuận lợi để thu hút nhân lực.
Nhận thấy tiềm năng lao động lớn, năm 2021, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đã ký quy chế phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm với các huyện miền Đông của Quảng Ninh. Trung bình một quý một lần, chính quyền các địa phương và Trường tổ chức các cuộc làm việc và trực tiếp tiếp cận các địa bàn tuyển sinh trọng điểm.
Nắm bắt được tập quán sinh hoạt của người dân địa phương, cán bộ tuyển dụng của nhà trường đã xuống thôn, bản vào buổi tối để gặp gỡ và tuyên truyền về hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành than và cơ hội việc làm cho người lao động. Hình thức tuyên truyền cũng được thực hiện theo phương pháp trực quan, khách quan, sinh động, thông qua các video clip quảng bá hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghệ khai thác than của TKV và chế độ, chính sách cho công nhân mỏ.
Theo đó, học sinh khi được tuyển chọn về trường đào tạo sẽ được cấp 100% học phí, tiền ăn, tiền ở tại ký túc xá, được doanh nghiệp tiếp nhận thực tập sản xuất và hưởng các chế độ chính sách như công nhân. Những học viên này cũng sẽ được bố trí việc làm ngay sau khi ra trường theo đúng trình độ đào tạo.
"Đến nay, thông qua kênh tuyển sinh của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, TKV đã thu hút thêm được khoảng 1.000 lao động mới ở vùng này. Năm 2023, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phấn đấu tuyển 120 lao động huyện Bình Liêu, 100 lao động huyện Đầm Hà, 50 lao động huyện Ba Chẽ" - ông Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Ngoài nguồn của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, bộ phận tuyển dụng của các mỏ hầm lò như Than Mông Dương, Than Khe Chàm... cũng đã chủ động tiếp cận và khai thác thị trường lao động tại các huyện miền Đông của tỉnh để bổ sung nhân lực phục vụ sản xuất. Ngoài các chế độ về thu nhập và đời sống, các mỏ đều bố trí xe ô tô chất lượng cao đưa, đón công nhân đi và về trong ngày.
Những đãi ngộ này đã giúp các mỏ tuyển được một số lượng lớn lao động địa phương có sức khỏe tốt, chăm chỉ, kỷ luật và nhanh chóng bắt nhịp được công việc. Riêng Than Mông Dương, từ năm 2018 đến nay đã tuyển được trên 800 lao động là người dân ở những địa bàn này.
Theo ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, những lao động trẻ của địa phương sau một thời gian công tác tại các mỏ đều cải thiện được đời sống kinh tế. Trung bình thu nhập của thợ lò là người địa phương đạt từ 17-22 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập cao và tương đối ổn định mà không có công việc thời vụ nào ở địa phương đáp ứng được. Điều này cũng đã góp phần nâng cao bình quân thu nhập chung của toàn huyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Bình Liêu.
Thời gian tới, để công tác tuyển sinh khu vực miền Đông của tỉnh hiệu quả hơn nữa, TKV sẽ duy trì cơ chế chính sách kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp - địa phương trong công tác tuyển sinh, đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp cho học sinh; đáp ứng tốt nhất nguồn nhân lực cho sản xuất, góp phần phát triển KT-XH của các địa phương trong tỉnh.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()