Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:09 (GMT +7)
Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý tại những vùng khó
Thứ 5, 09/03/2023 | 07:56:55 [GMT +7] A A
Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của tỉnh.
Sau khi thực hiện hiệu quả của Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh không còn xã đặc biệt khó khăn, chỉ còn 12 thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú ngoài 12 thôn này sẽ không được hưởng chính sách TGPL; trong khi đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, điều kiện tiếp cận các dịch vụ pháp lý còn hạn chế. Nhóm đối tượng này cần được hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật trong đời sống xã hội, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận công lý, tiếp cận pháp luật. Trước thực trạng đó, trên cơ sở tham mưu của các ban, ngành, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND "Quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025" với nội dung hỗ trợ cho người DTTS tại các thôn, bản này được hưởng chính sách TGPL từ ngân sách địa phương.
Công tác truyền thông về TGPL luôn được chú trọng thực hiện để đưa chính sách đến với người nghèo, người DTTS và các đối tượng yếu thế khác. Năm 2022, Trung tâm TGPL nhà nước (Sở Tư pháp) đã biên soạn 10 loại tờ gấp pháp luật (228.800 tờ) về TGPL và các lĩnh vực pháp luật có liên quan, phát hành 25.100 quyển sách bỏ túi Hỏi đáp về TGPL, 1.200 quyển sách nghiệp vụ về TGPL cho người DTTS để cung cấp miễn phí cho người dân toàn tỉnh. Công tác truyền thông về TGPL trong hoạt động tố tụng được duy trì đều đặn theo các hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động TGPL tại cơ sở, năm 2022 Trung tâm đã tổ chức nhiều hội nghị TGPL tại 32 xã thuộc các địa phương: Đông Triều, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, nội dung phổ biến, giới thiệu Luật TGPL, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em và một số quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân cho 1.720 lượt người tham dự; phát miễn phí hơn 1700 Sổ tay TGPL, hơn 6.000 tờ gấp pháp luật với nội dung: Một số quy định về kết hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình; một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tội phạm hình sự; một số quy định về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân…. Đồng thời tư vấn pháp luật cho người dân tham dự các hội nghị; trao đổi với chính quyền địa phương để quan tâm giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Năm 2022, Trung tâm đã thực hiện TGPL cho 174 vụ việc/174 người. Trong đó, tư vấn 10 vụ việc; tham gia tố tụng để bào chữa 113 vụ việc; tham gia tố tụng để bảo vệ 48 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 3 vụ việc.
Bà Vũ Thị Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước, cho biết: Năm 2023, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch năm. Trung tâm cũng kịp thời tham mưu cho Sở Tư pháp ban hành kế hoạch triển khai chính sách TGPL đối với người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính; tiếp tục tăng cường hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng... Quý I/2023, Trung tâm đã thụ lý 40 vụ việc; giải quyết 100% yêu cầu TGPL của người thuộc diện được TGPL. Thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, đã cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL theo quy định của pháp luật.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()