Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:36 (GMT +7)
Đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng cá tra
Thứ 5, 23/11/2023 | 11:17:47 [GMT +7] A A
Sau thời gian trầm lắng, gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu, từ đầu quý IV đến nay, mặt hàng cá tra có dấu hiệu phục hồi. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), tính đến hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu sử dụng mặt hàng cá tra dịp cuối năm và đầu năm mới. Thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng phục hồi trở lại. Song, việc tiêu thụ mặt hàng cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều thách thức…
Nhiều thách thức
Tính đến cuối tháng 10/2023, diện tích nuôi mới cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long là 5.319 ha, tăng 85,36% so với cùng kỳ năm 2022; thu hoạch 3.663 ha, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng đạt 1.336.346 tấn (tăng 61,29% so với cùng kỳ năm 2022), năng suất trung bình đạt 365 tấn/ha.
Hiện, Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu về diện tích nuôi và sản lượng cá tra. Đây là một trong năm ngành hàng chủ lực được tỉnh Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 94 cơ sở sản xuất giống và 1.004 cơ sở ương dưỡng giống cá tra với diện tích hơn 1.100 ha.
Lũy kế diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm là 2.470,6 ha, tăng 1,2% (tương ứng 30,5 ha) so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94,6% so kế hoạch năm 2023. Sản lượng thu hoạch 464.621 tấn, tăng 4,2% (tương ứng 18.960 tấn) so cùng kỳ năm 2022 và đạt 87,5% so với kế hoạch năm 2023. Cá tra của tỉnh Đồng Tháp sản xuất theo quy trình, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, thông tin, toàn tỉnh hiện có 339 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.224 ha mặt nước, sản lượng ước đạt 500.000-600.000 tấn/năm. Từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi mới là 1.011 ha, diện tích thu hoạch 1.113 ha, sản lượng thu hoạch 449.703 tấn.
Năm nay, người dân ở An Giang thả nuôi cá tra nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng thị trường tiêu thụ chậm, người nuôi giữ cá lại ao lâu hơn khiến giá thành đội lên. Lãnh đạo một doanh nghiệp có vùng nuôi hơn 1.000 ha tại An Giang cho biết, thông thường, tháng 11, tháng 12 là cao điểm xuất khẩu cá tra. Năm nay, đơn hàng xuất khẩu vẫn có đều nhưng sản lượng không bằng những năm trước, giá bán thấp hơn năm 2022.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng cho biết thêm, giá bán nguyên liệu giảm mạnh, người nuôi cá tra lỗ hoặc lãi rất thấp. Có thời điểm, người nuôi lỗ từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg. Cá tra thương phẩm từ đầu năm đến nay chỉ dao động khoảng 26.000-30.500 đồng/kg (size cá từ 0,8-1,2kg); hiện, giá khoảng 26.500-28.000 đồng/kg, người nuôi chưa có lãi.
Toàn tỉnh Đồng Tháp có 378 cơ sở được cấp mã số nhận diện với diện tích mặt nước 1.630 ha. Đa số các hộ nuôi liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến bằng nhiều hình thức khác nhau với diện tích khoảng 794 ha.
Toàn tỉnh có 74 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hơn 42% diện tích thả nuôi áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương.
Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Đồng Tháp Võ Bé Hiền cho biết, ngành hàng cá tra của tỉnh đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm; giá thành sản xuất tăng, trong khi nhiều tháng qua, giá cá tra liên tục chỉ ở mức 26.500 đồng-28.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi.
Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, việc liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra của tỉnh còn lỏng lẻo. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kênh phân phối tiêu thụ, hệ thống logistics (vận chuyển, kho bãi...) còn rất nhiều hạn chế. Sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp liên tục gặp khó về thị trường tiêu thụ, hàng tồn kho nhiều tạo ra nhiều áp lực về chi phí...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Cá tra là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp. Hiện, mặt hàng này đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ghi nhận, 10 tháng năm 2023, việc tiêu thụ cá tra tại hầu hết thị trường trên thế giới đều sụt giảm. Tuy nhiên, tình hình đang có những gam màu sáng trở lại, nhất là thị trường khối CPTPP.
Trong những tháng còn lại của năm 2023 có nhiều tín hiệu đáng mừng, đơn đặt hàng của một số thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ tăng hơn những quý trước, nghĩa là tăng trưởng âm càng lúc càng giảm dần.
|
Theo các doanh nghiệp, để khơi thông thị trường, vực dậy ngành hàng cá tra, cần phải chú trọng nhiều mặt. Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Chúng ta phải làm mạnh về truyền thông, nhất là tại thị trường CPTPP, để các nước biết rõ hơn về con cá tra Việt Nam”.
Hai vấn đề quan trọng khác giúp ngành hàng cá tra vượt qua khó khăn là kiểm soát chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Trước dịch Covid-19, thức ăn cá tra có giá chỉ 10.000 đồng/kg, sau dịch đã tăng lên 13.000 đồng/kg. Hiện, giá thức ăn có giảm trở lại nhưng cũng hơn 12.000 đồng/kg.
Từ chỗ thức ăn chiếm tối đa 60% giá thành sản xuất cá tra, thì nay đã có lúc chiếm tỷ trọng đến 70-80%. Muốn đẩy mạnh tiêu thụ thì phải hạ giá thành sản xuất; thức ăn cho cá phải đúng cách, giảm tỷ lệ hao hụt, từ đó sẽ kéo được chi phí nuôi cá giảm xuống.
Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững cần tạo điều kiện thu hút, ưu đãi mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án vùng sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm gắn với phát triển liên kết chuỗi, cơ cấu lại ngành thủy sản hiệu quả; tiếp tục phát triển các vùng nuôi tập trung, vùng chuyên canh sản xuất cá tra thương phẩm ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực về thị trường xuất khẩu cá tra hiện nay và những năm tiếp theo; vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với hộ nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi cả quá trình sản xuất.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển ngành hàng cá tra theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững dựa trên việc áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý.
Theo đồng chí Lê Thị Trúc Tươi, Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cần theo dõi sát tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, thông tin thị trường. Thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về công tác quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi.
Đồng Tháp sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng “hợp tác-liên kết-thị trường” để giảm rủi ro. Tăng cường cập nhật và cung cấp thông tin về thị trường, đặc biệt là về các FTA thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... Cùng với đó, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nuôi cá tra phù hợp với tiềm năng phát triển của các địa phương.
Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, cần chú trọng đúng mức đến thị trường tiêu thụ trong nước. Theo đó, đẩy mạnh tiêu thụ tại các kênh phân phối truyền thống như: chợ, siêu thị, đưa vào bếp ăn tại các doanh nghiệp. Với các sản phẩm cá tra sau chế biến, tăng cường giới thiệu, quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử...
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()