Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:26 (GMT +7)
Xây dựng nền tảng để thương mại điện tử phát triển
Thứ 2, 06/12/2021 | 07:28:58 [GMT +7] A A
Thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng được người dân, doanh nghiệp của Quảng Ninh quan tâm nhiều hơn, bởi những tiện ích mới, ưu thế hơn hẳn so với các kênh bán hàng truyền thống trước đây. Đây cũng là kênh thương mại hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng lớn hơn cho các ngành sản xuất của địa phương, trong đó có nông nghiệp.
Sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh (teqni.gov.vn) được đưa vào hoạt động từ năm 2012 và được nâng cấp hoạt động theo quy chuẩn TMĐT mới vào năm 2017. Hiện tại, sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh có hơn 330 sản phẩm của gần 100 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được niêm yết và giao dịch trực tuyến. Trong đó có nhiều sản phẩm OCOP từ 3-5 sao do tỉnh kiểm duyệt, được quảng bá với đầy đủ các thông tin chi tiết về mẫu mã, giá niêm yết, xuất xứ, liên hệ nhà sản xuất... Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách, như: Chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, hàu sữa chưng thịt, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, nước mắm Cái Rồng, ruốc trai, ruốc hàu... Từ đầu năm đến nay, đã có gần 2.500 đơn đặt hàng được thực hiện qua sàn, doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động của sàn giao dịch TMĐT Quảng Ninh, các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang chủ động, nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển các sàn TMĐT của riêng mình. Trong đó, đi đầu và đạt hiệu quả nhất phải kể đến sàn TMĐT Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn) của TX Đông Triều. Bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 8/2021, đến nay, Đông Triều Mart đã đưa được nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của thị xã, như: Gạo nếp cái hoa vàng, sữa tươi và sản phẩm từ sữa, nấm, sản phẩm từ rươi và cáy, na, vải, bưởi, thanh long, mít...; sản phẩm chăn nuôi như: Thịt gà, thịt lợn, trứng; sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như gốm sứ... lên sàn. Đặc biệt, một số sản phẩm dịch vụ như: Du lịch làng quê Yên Đức, dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... và các quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch cũng đã xuất hiện trên Đông Triều Mart.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển TMĐT tại địa phương, việc đưa các sản phẩm của tỉnh lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT kênh phân phối lớn, có uy tín đang được các doanh nghiệp trong tỉnh hết sức chú trọng, dần trở thành định hướng lâu dài để phát triển sản phẩm. Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương (Sở Công Thương), đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 30 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thực hiện phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT, các kênh phân phối lớn trong nước như Voso, Tiki, Sendo, Postmart… Các sản phẩm của Quảng Ninh trên các sàn TMĐT đa phần đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của người tiêu dùng. Điển hình như tại sàn postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, hiện Quảng Ninh có hơn 100 sản phẩm OCOP tham gia giao dịch với doanh thu ước tính trong năm 2021 đạt gần 1,5 tỷ đồng/tổng số đơn hàng; các sản phẩm của Quảng Ninh đều được đánh giá chất lượng trên 4 sao…
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; doanh số giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp - người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời, sẽ có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử... Cùng với đó, dự kiến mỗi năm tỉnh sẽ hỗ trợ 10 đơn vị là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán TMĐT trên trang website…
Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đang tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng TMĐT của tỉnh, trong đó tập trung vào hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch; triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo, hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng…
Ngoài ra, tỉnh còn rất chú trọng đến việc hỗ trợ, đồng hành nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước. Tháng 6/2021, Sở Công Thương đã chủ trì tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh qua “Gian hàng Việt” trên các sàn TMĐT. Tại hội nghị, đại diện các sàn TMĐT và đơn vị phân phối hàng hóa lớn như Tiki, Sendo, Soso.vn, Shopee… đã trao đổi, hướng dẫn các doanh nghiệp trong tỉnh về việc phát triển kinh doanh trên môi trường trực tuyến, quy trình và cách thức phân phối hàng hóa, chính sách ưu đãi do sàn TMĐT xây dựng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT…
Cùng với đó, tỉnh còn tích cực tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh; nắm bắt tình hình sản xuất, khả năng cung ứng thị trường, thị trường tiêu thụ chính, thị trường tiềm năng và khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước, ngoài nước.
Cuối tháng 8 vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức đoàn công tác gồm đại diện sàn TMĐT postmart.vn, đại diện sàn TMĐT tỉnh Quảng Ninh khảo sát hoạt động của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; trực tiếp hướng dẫn quy trình và cách thức phân phối hàng hóa, chính sách ưu đãi của các sàn TMĐT; giới thiệu về giải pháp, gói hỗ trợ về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; ứng dụng QR Code trong quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc…
Minh Hà
- Phát triển thương mại điện tử để tăng kết nối tiêu thụ nông sản
- TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình kích cầu du lịch trên sàn thương mại điện tử
- Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký website thương mại điện tử
- Bảo vệ người tiêu dùng: Ngăn chặn hàng giả ngay từ sàn thương mại điện tử
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thương mại điện tử
- Thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Liên kết website
Ý kiến ()