Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:50 (GMT +7)
Đẩy mạnh thực hiện quy trình "5 bước trên môi trường điện tử"
Thứ 3, 15/10/2024 | 16:34:15 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách TTHC tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh coi trọng, tập trung thực hiện. Với vai trò chủ chốt trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh chất lượng, hiệu quả việc giải quyết hồ sơ TTHC theo quy trình "5 bước trên môi trường điện tử".
Từ giữa năm 2022, Sở TT&TT, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (Công ty FPT-IS) và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bắt đầu phối hợp triển khai thử nghiệm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu. Với nền tảng này, từ tháng 10/2022, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện giải quyết TTHC theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết TTHC.
Hiện nay, toàn bộ quy trình giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 và thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh. Tất cả các đầu mục TTHC đều được xây dựng quy trình đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ. Qua đó, giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị điều hành, kiểm soát được toàn bộ quá trình giải quyết TTHC.
Với dịch vụ công trực tuyến toàn trình đang triển khai, sau khi tiếp nhận TTHC trực tuyến của tổ chức, công dân, CBCC sẽ thẩm định, ký số và trình ký cấp trên thông qua hệ thống chính quyền điện tử. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, hay cán bộ được phân cấp phê duyệt cũng sẽ ký phê duyệt bằng chữ ký số và chuyển bộ phận trả kết quả đóng dấu số, trước khi chuyển tiếp kết quả số vào tài khoản dịch vụ công của tổ chức, công dân. Hình thức thanh toán trực tuyến cũng được chấp nhận với tất cả các thủ tục, qua nhiều kênh thanh toán khác nhau.
Với vai trò đầu mối chính trong công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã chủ động rà soát, chuẩn hoá quy trình giải quyết và thực hiện số hóa 100% hồ sơ TTHC đủ điều kiện theo quy trình "5 bước trên môi trường điện tử”. Trong đó trọng tâm là việc số hóa toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC, gắn với thực hiện chữ ký số điện tử trong toàn bộ quy trình; cung cấp kết quả điện tử của 100% TTHC đủ điều kiện để đồng bộ lên kho dữ liệu điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Từ đó, người dân, doanh nghiệp có thể tái sử dụng và khai thác dữ liệu điện tử khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch công trực tuyến của tỉnh. Đồng thời thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo hướng không yêu cầu cung cấp lại thông tin đối với những nội dung, thông tin có trong cơ sở dữ liệu đã được chia sẻ, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đã được các cơ quan có thẩm quyền ký số, ký sao y.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả 24 con dấu thứ hai và 22 chứng thư số thứ hai của các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”. Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 9/2024, đã có gần 38.000 kết quả TTHC sử dụng con dấu thứ 2 và gần 16.000 kết quả TTHC điện tử sử dụng chứng thư số thứ hai được thực hiện tại trung tâm.
Kết quả thống kê tính trên cả phần mềm chuyên ngành và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh trong 9 tháng năm 2024, ở cấp tỉnh đã thực hiện số hóa gần 105.000 hồ sơ đầu vào (đạt tỷ lệ 89%); trả hơn 41.000 kết quả bản điện tử cho các cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ gần 35%). Trong đó, riêng hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã có gần 41.000 hồ sơ đầu vào được số hóa (đạt tỷ lệ 99%); gần 41.000 kết quả được trả dưới dạng bản điện tử (đạt tỷ lệ 98%). Tỷ lệ số hóa hồ sơ đầu vào và trả kết quả bản điện tử của các TTHC ở cấp huyện và cấp xã cùng đều tăng cao, đạt trung bình trên 96%. Kết quả giải quyết TTHC bản điện tử có giá trị pháp lý tương đương kết quả giải quyết TTHC bằng văn bản giấy, có thể được các tổ chức, cá nhân tái sử dụng trong các công việc liên quan khác.
Anh Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty luật Duy Ích, đánh giá: Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” trong giải quyết TTHC thể hiện sự chuyên nghiệp của các cơ quan nhà nước; tạo sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các TTHC thiết yếu và đặc biệt là tăng cường sự tương tác tích cực giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền. Các công cụ như ký số, thanh toán trực tuyến, hay tái sử dụng kết quả TTHC sẽ giúp cho việc nộp TTHC được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo công khai, minh bạch và bảo mật thông tin. Người dân và doanh nghiệp cũng sẽ vừa tiết kiệm được thời gian, vừa giảm bớt được nhiều chi phí không chính thức để tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân với các cấp chính quyền của tỉnh nhờ đó cũng sẽ được nâng lên.
Nhờ sự tích cực trong cải cách TTHC, trong đó đặc biệt là việc đẩy mạnh quy trình “5 bước trên môi trường điện tử”, Quảng Ninh đã và đang tiếp tục thu về nhiều thành quả đáng tự hào. Trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023, tỉnh tiếp tục dẫn đầu với kết quả đạt 92,18 điểm %. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã có 6 lần cán đích ở vị trí dẫn đầu. Ở bảng xếp hạng đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023, tỉnh cũng dẫn đầu cả nước với điểm số 90.61%, cao hơn điểm trung bình cả nước (82,66%)…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()